Đến nay, cả 3 chỉ tiêu pháp lệnh được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao trong suốt nhiệm kỳ đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, giải quyết việc làm mới vượt trên 6,7%; giáo dục nghề nghiệp vượt 7,02% và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt vượt trên 0,16%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,84%.
Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà. Ảnh: Văn Miên
Để có được kết quả trên, là nhờ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, là sự vào cuộc của các ngành chức năng và các địa phương. Trong đó, với nhiệm vụ chức năng được giao, ngành LĐ-TB&XH đã tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, văn bản về công tác lao động việc làm, đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện. Trong nhiệm kỳ đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành 3 Chỉ thị, 2 Kế hoạch chuyên đề; HĐND tỉnh ban hành 9 Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành 63 Quyết định, 38 Kế hoạch triển khai các cơ chế, chính sách thuộc các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đảm bảo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, sát tình hình thực tiễn của địa phương.
Công tác giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực, trong 5 năm giải quyết việc làm mới cho 82.718 lao động, bình quân mỗi năm trên 16,5 ngàn lao động, vượt mục tiêu Nghị quyết và tăng 3,9% so giai đoạn 2011-2015, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt khá (Có 782 lao động đi làm việc ở nước ngoài), tăng hơn 4,6 lần so giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, các địa phương, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường định hướng cho người lao động học nghề, tìm việc làm, tự tạo việc làm phù hợp; gắn tạo việc làm với xây dựng nông thôn mới cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động để người lao động có việc làm bền vững, thu nhập ổn định. Tiếp tục củng cố và phát triển hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó chú trọng một số thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông…
Tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức và ngành nghề đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Cơ sở vật chất cho đào tạo nghề tiếp tục được đầu tư, Quy mô đào tạo đến năm 2020 khoảng 2.000 học viên, sinh viên; sắp xếp, kiện toàn các Trung tâm giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cấp huyện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở dạy nghề, đã đào tạo trên 44.950 lao động, tăng 7,3% so giai đoạn 2011-2015, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60,16%, trong đó đào tạo nghề đạt 45,05%; hàng năm có khoảng 60-70% lao động có việc làm sau đào tạo. Trong đào tạo nghề, ngành LĐ-TB&XH và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng nghề nghiệp; tư vấn, kết nối cung cầu lao động; công khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; gắn đào tạo với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp...Nhờ đó, nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đã tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Hợp tác xã Gốm chăm Bàu Trúc (Ninh Phước) giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Ảnh: Văn Nỷ
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tập trung chỉ đạo, đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo; phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong giải ngân nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, tập trung vào hiệu quả của việc tạo việc làm mới thông qua nguồn vốn ưu đãi. Có 68.836 lượt hộ tham gia vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, với tổng số dư nợ 312,4 tỷ đồng, có 165.049 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,54% năm 2016 xuống còn 5,74% năm 2020, bình quân giảm 1,84%/năm. Phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 được phát động, triển khai sâu rộng, thực hiện có hiệu quả.
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững, những năm tiếp theo, bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động này. Trong đó, triển khai đồng bộ các chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm; chú trọng nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, tập trung vào các thị trường ổn định, cho thu nhập cao. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện các chương trình giải quyết việc làm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và 5 năm giai đoạn 2020-2025.
Bình An