Viết về Mẹ Việt Nam anh hùng

“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”…câu hát trong bài “Đất nước” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn phần nào khắc họa được niềm tự hào, sự hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) dành cho quê hương. Sau 45 năm hòa bình, hậu quả của chiến tranh đã dần khắc phục, nhưng vết thương lòng của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh cho Tổ quốc vẫn chưa nguôi ngoai…

Người con duy nhất hy sinh

Những ngày đầu tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Hàng Thị Kim, thôn Tri Thủy 1, xã Tri Hải (Ninh Hải). Ở tuổi 85, Mẹ giờ không còn nghe được rõ, chuyện ngày trước có đoạn nhớ đoạn không, nhưng chắp nối câu chuyện, chúng tôi phần nào hiểu được mẹ muốn nói gì. Mẹ chỉ có một người con duy nhất là Liệt sĩ Hồ Thị Chỉ, hy sinh vào một ngày giáp tết năm 1976, do bọn Fulro sát hại trong khi đang làm nhiệm vụ. Nỗi đau mất con chưa dứt thì năm 1985, người chồng cũng bệnh tật qua đời. Một mình Mẹ phải lặng lẽ vượt qua nỗi đau và sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con làng xóm, họ hàng. Năm 1990, anh Trần Hồng Đức, người cháu ruột gọi Mẹ bằng dì chuyển về sống cùng và phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ cho đến nay. Theo lời anh Đức kể, mỗi lần nhắc đến chị Chỉ, Mẹ Kim rất đỗi tự hào nhưng cũng không ít lần mắt mẹ rưng rưng, giọng lạc đi vì xúc động: Con gái Mẹ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi mới tuổi đôi mươi. Tuy Mẹ không còn con ruột, nhưng Mẹ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, thăm hỏi thường xuyên của bà con, của thế hệ trẻ hôm nay… đó là niềm vui lớn nhất với Mẹ rồi”.

Mẹ Việt Nam anh hùng Hàng Thị Kim thỉnh thoảng kể về người con gái duy nhất với anh Trần Hồng Đức.

Ba lần tiễn con đi… ba lần khóc thầm lặng lẽ

Chia tay mẹ Kim, chúng tôi xuôi về thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná (Thuận Nam) nghe mẹ Lê Thị Hự kể về những ký ức hào hùng một thời “khói lửa”. Ở tuổi 93 nhưng mẹ Hự vẫn còn minh mẫn. Sau chén trà mời khách, Mẹ rưng rưng nước mắt khi nhớ về chồng, con. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Xuân Cảnh, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Là mẹ của 4 người con (3 trai, 1 gái), Mẹ Hự vừa cùng chồng tần tảo, nuôi dạy con, vừa bí mật tham gia cách mạng. Với cương vị là Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã, Mẹ trở thành cơ sở cách mạng, tổ chức nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thực, thuốc men lên căn cứ. Nhiều lần bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng trước sau như một, mẹ vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Chồng Mẹ là Liệt sĩ Nguyễn Hiệu, cũng là cán bộ tham gia cách mạng. Năm 1966, ông bị địch bắt, tra tấn dã man rồi xử bắn tại quê nhà khi mới 29 tuổi. Con trai đầu của Mẹ là Nguyễn Hường tham gia vào đội du kích xã và anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Sôi sục lòng căm thù giặc, mẹ nén đau thương cùng 3 con (2 trai, 1 gái) tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và 2 người con trai trong số đó đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Liệt sĩ Nguyễn Sơn, hy sinh khi mới 20 tuổi, Liệt sĩ Nguyễn Lâm, hy sinh khi vừa tròn 18. Dẫu cuộc đời nhiều lần “khóc thầm lặng lẽ” thế nhưng, vượt lên tất cả thời sau chiến tranh, mẹ tiếp tục nuôi dạy con gái út và cháu ngoại tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang. Mẹ cười hạnh phúc khoe với chúng tôi vinh dự được đi tham quan nhiều nơi, đặc biệt 8 lần được ra Hà Nội viếng lăng Bác Hồ...Giờ đây khi chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày Mẹ vui lắm. Vui vì sự hy sinh của các con, của chồng Mẹ được trân trọng, giữ gìn, vui bởi niềm tin của Mẹ vào Đảng, vào cách mạng đã trở thành hiện thực.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hự đọc tư liệu về các Mẹ Việt Nam anh hùng tự hào về truyền thống gia đình.

Và trên miền đất nắng còn biết bao Mẹ VNAH hồn hậu, tảo tần, lặng thầm với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để góp phần thêu dệt nên trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc. Thương con nhưng sẵn sàng chấp nhận chia ly, tiễn con lên đường vì hòa bình, độc lập của đất nước. Để rồi một mình Mẹ lo kinh tế gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng, cho con nơi chiến trận. Có mẹ còn đào hầm nuôi giấu cán bộ, có mẹ làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men cũng có mẹ trực tiếp cầm súng chiến đấu... Nợ nước, thù nhà không cho phép mẹ gục ngã. Các mẹ vẫn ngày đêm âm thầm, đóng góp cho cách mạng. Ngày chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, mẹ vui với niềm vui chung của dân tộc nhưng lại đau - nỗi đau riêng vì chồng, vì con mình vĩnh viễn không về sum họp. Có bao người ra đi không trở lại là có bấy nhiêu người vợ, người mẹ không thể gặp lại chồng, con mình.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của những Bà mẹ VNAH mà chúng tôi đã gặp vẫn còn nguyên vẹn ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng con đã chọn, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Những người mẹ kiên cường, bất khuất, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình để mang lại hòa bình cho đất nước. Thế hệ hôm nay rất tự hào về mẹ - những Mẹ Việt Nam anh hùng.