Bồ kết còn gọi là bồ kếp, chùm kết. Bồ kết là loại cây sống lâu năm, thân có gai, hạt giống hình hạt đậu. Mỗi quả bồ kết trung bình có từ 30 - 40 hạt. Quả bồ kết có chứa một hàm lượng lớn dầu thực vật, do vậy bồ kết thường dược sử dụng để gội đầu giúp tóc đen, óng mượt. Ngoài được sử dụng để gội đầu, quả bồ kết còn là vị thuốc chữa bệnh.
Theo Đông y, quả bồ kết vị cay, mặn, tính ôn, có tác dụng thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, gây hắt hơi, dùng làm thuốc chữa tiêu đờm, thông đại tiện, chữa ngạt mũi, cứt trâu ở trẻ, sâu răng... Khi dùng làm thuốc thường sấy khô đốt thành than, tán bột...
Trị chứng ngạt mũi, khó thở: 15g quả bồ kết đem đốt khi có mùi thơm cho khói xông vào mũi. Ngày làm 2 - 3 lần. Bài thuốc này giúp giảm ngạt mũi, dễ thở nhanh chóng.
Chữa cảm gió: Quả bồ kết 20g bỏ hạt lấy vỏ nướng cháy tán thành bột, ngày cho uống 0,5 - 1g. Uống trong hai ngày, uống sau bữa ăn. Hoặc 3 - 5g bột quả bồ kết sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn trưa. Uống trong hai ngày.
Chữa quai bị: 15g quả bồ kết, đốt thành than rồi tán nhỏ trộn với giấm thanh. Lấy bông thấm thuốc rồi đắp lên chỗ quai bị, cứ khoảng 20 - 30 phút lại thay 1 lần. Dùng trong 3 ngày.
Bí đại tiện hoặc bụng chướng: 15g quả bồ kết đốt tồn tính tán bột, trộn với dầu lạc hoặc dầu vừng tẩm vào bông đặt vào trong hậu môn, làm vài lần sẽ trung tiện được và thông đại tiện.
Chữa cứt trâu ở trẻ: 10g quả bồ kết đem nướng giã nhỏ bôi vào vị trí có cứt trâu khoảng 15-20 phút gội đầu cho trẻ. Ngày làm một lần. Tùy lượng cứt trâu nhiều hay ít mà dùng trong một hay vài ngày.
Chữa giun kim: 20g quả bồ kết đốt tồn tính tán bột, trộn với dầu lạc tẩm vào bông đặt vào trong hậu môn. Làm liên tiếp 3 ngày, mỗi ngày một lần, làm vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Trúng phong bị cấm khẩu: 25g quả bồ kết đem đốt cháy, tán bột, lấy một ít thổi vào lỗ mũi cho hắt hơi và xát một ít vào chân răng sẽ tỉnh.
Lưu ý: Phụ nữ có thai, người yếu không nên uống bồ kết. Khi đói không nên dùng bồ kết.
Theo nguồn Sức khỏe và Y học