“Khẩu chiến” gay gắt
Trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang ngày càng khó khăn khi số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ liên tiếp gia tăng, Tổng thống Donald Trump đã chĩa mũi dùi sang Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với những cáo buộc quy trách nhiệm cho tổ chức này vì để xảy ra đại dịch tồi tệ như hiện nay. Những ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên đe dọa ngừng tài trợ tiền cho WHO, vì cho rằng cơ quan này thiên vị Trung Quốc và xử lý đại dịch COVID-19 một cách tồi tệ.
Và trong động thái nhằm hiện thực hóa những lời cảnh báo trên, ngày 14-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã chỉ thị cho chính phủ tạm ngừng tài trợ cho WHO. Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày của nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết, WHO đã “thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm”. Mỹ luôn là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO kể từ khi thành lập năm 1948, tuy nhiên tổ chức này đã không thu thập và chia sẻ thông tin một cách minh bạch và kịp thời. Đồng thời, Tổng thống Trump cũng chỉ trích việc WHO trước đó đã phản đối Mỹ áp dụng giới hạn đi lại với Trung Quốc và cho rằng quyết định này đã khiến đại dịch lan rộng và nhiều người tử vong.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cáo buộc WHO đã không điều tra thông tin về việc virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người sang người cũng như các nguồn thông tin từ Vũ Hán, Trung Quốc, trong khi những thông tin này khác với những gì mà giới chức Trung Quốc thông báo. Ông Trump cũng chỉ trích việc WHO thiên vị Trung Quốc và việc tổ chức này chậm công bố thông tin và xử lý dịch bệnh đã khiến đại dịch lan rộng và gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Phản ứng trước những cáo buộc của Mỹ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn bảo vệ cách ứng phó đại dịch COVID-19 của WHO cũng như bác bỏ những đồn đoán về mối quan hệ quá thân thiết với Trung Quốc. Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Tedros nói: “Chúng tôi thân thiết với mọi quốc gia, chúng tôi không phân biệt chủng tộc”. Ông Tedros cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên học hình mẫu của Mỹ và Liên Xô trước đây khi phát động chiến dịch toàn cầu 10 năm hồi năm 1967 để xóa sổ bệnh đậu mùa, căn bệnh khiến 2 triệu người tử vong mỗi năm. Ông cũng kêu gọi các nhà bình luận không “chính trị hóa” COVID-19. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại cho rằng, chính Tổng giám đốc Tedros mới là “người chính trị hóa dịch COVID-19”. Và vì vậy, sự việc Mỹ đưa ra quyết định ngừng tài trợ cho WHO ngày 14-4 được xem như là “giọt nước tràn ly” sau những tranh cãi căng thẳng giữa hai bên thời gian qua. Ông Trump cũng cho biết chính quyền của ông sẽ tiến hành một cuộc điều tra “kỹ lưỡng” kéo dài từ 60 đến 90 ngày về cách thức WHO và Trung Quốc ứng phó COVID-19.
Nhưng cho dù như vậy thì Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus vẫn bày tỏ tin tưởng rằng chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ cho WHO, bất chấp những chỉ trích của Tổng thống Donald Trump về cách xử lý các vấn đề đại dịch COVID-19 của WHO.
Do WHO hay do Mỹ đã chủ quan ?
Mỹ lâu nay là nước tài trợ lớn nhất cho WHO. Trong năm 2019, Mỹ đóng góp 452 triệu USD (chiếm khoảng 15% ngân sách của tổ chức này) trong khi Trung Quốc đóng góp 42 triệu USD. Đây cũng chính là lý do khiến Mỹ cho rằng Mỹ có nghĩa vụ buộc tổ chức này chịu trách nhiệm về một trong những quyết định nguy hiểm và tốn kém của mình, đó là việc WHO hồi tháng 1 đã phản đối các biện pháp giới hạn đi lại của Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc và những quốc gia khác.
Tuy nhiên động thái cắt giảm hỗ trợ của Mỹ với WHO giữa lúc đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu vẫn là điều chưa từng có tiền lệ. Không thể phủ nhận từ khi bùng phát đại dịch, WHO đã hứng nhiều chỉ trích vì tuyên bố virus không lây từ người sang người. WHO cũng bị chỉ trích vì quá tin tưởng vào số liệu thống kê của Trung Quốc, và cả phản ứng chậm chạp trong tuyên bố chính thức về đại dịch toàn cầu. Kể từ đó đến thời điểm hiện tại, thế giới đã có hơn 2 triệu người mắc COVID-19 với gần 127.000 ca tử vong tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất nghiêm trọng và đáng sợ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cách hành xử của Tổng thống Trump với WHO là quá gay gắt. Các chuyên gia cho rằng, ngân sách 2,5 tỷ USD mà WHO nhận được mỗi năm đã không tăng thêm trong hơn 3 thập kỷ qua và họ thật sự đã nỗ lực rất nhiều khi phải triển khai thực hiện nhiều công việc trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia, những gì mà COVID-19 đang diễn ra tại Mỹ là do nước Mỹ đã quá chủ quan với dịch bệnh. Khi đại dịch hoành hành ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, Tổng thống Trump vẫn tự tin tuyên bố với người dân Mỹ rằng, COVID-19 sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào với nước Mỹ và trấn an người dân rằng: “Chúng ta sẽ có một kết cục tốt đẹp”. Ông còn so sánh sự giống nhau giữa SARS-CoV-2 và bệnh cúm mùa và dự báo rằng, SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt khi nhiệt độ ấm lên vào tháng 4, tương tự như dịch cúm mùa vào mùa xuân.
Hồi đầu tháng 3, chính Tổng thống Trump đã nói ông không tin vào tỷ lệ tử vong 3,4% do COVID-19 mà WHO đưa ra. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã không tuân thủ triệt để khuyến nghị của WHO trong việc xác định ca bệnh, cách ly các đối tượng mắc bệnh và theo sát lịch sử đi lại của họ. Tổng thống Trump còn cho rằng những người bị nhiễm COVID-19 vẫn có thể đi làm và tự hoàn toàn hồi phục, trái ngược với những gì mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo. Thậm chí Tổng thống Trump hiện còn đang lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế bất chấp những cảnh báo về khả năng bùng phát lại đại dịch, nếu sớm dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội…
Và kết quả của sự chủ quan này là việc dịch bệnh đã lây lan ở Mỹ với một tốc độ chóng mặt. Chỉ sau hơn 1 tháng, Mỹ giờ đây đã trở thành nước có số ca mắc bệnh và tử vong cao nhất trong “bảng xếp hạng COVID-19” toàn cầu, một thứ bậc mà chẳng một quốc gia nào muốn có tên trong đó. Tính đến chiều ngày 15-4, Mỹ có tổng cộng hơn 614 nghìn ca nhiễm và hơn 26 nghìn người chết vì COVID-19. Bang New York là bang bị dịch tấn công mạnh nhất ở Mỹ. Thống đốc Andrew Cuomo nhận định, bang New York đang ở đúng đỉnh dịch và tổng số ca tử vong tại đây đã lên tới gần 11 nghìn ca.
Giữa bối cảnh Mỹ là tâm chấn của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã vấp phải những chỉ trích trong nước về cách phản ứng với dịch COVID-19 cũng như việc chính quyền quyết định ngừng tài trợ cho WHO. Một số cố vấn trong chính quyền Tổng thống Trump nhận định việc cắt giảm hỗ trợ WHO vào thời điểm này có thể sẽ phản tác dụng bởi đây là một trong số ít các cơ quan có thể tiếp cận tới một số bộ phận dân cư dễ tổn thương nhất trên thế giới như tại Yemen, Libya và Syria.
Giám đốc Viện Y tế toàn cầu của Đại học Harvard Ashish Jha thì gọi động thái của Tổng thống Trump với WHO là “một quyết định vô cùng tồi tệ”. Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ Patrice Harris cũng gọi động thái của Tổng thống Trump là “một bước đi nguy hiểm sai hướng” và việc này sẽ không khiến cuộc chiến nhằm đánh bại dịch COVID-19 trở nên dễ dàng hơn, đồng thời hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ nên cân nhắc lại quyết định này. Còn Amesh Adalja-một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins thì cho rằng WHO đã phạm phải sai lầm và cần cải cách nhưng công việc đó sẽ diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng hiện nay trôi qua.
Bên ngoài nước Mỹ, nhiều ý kiến cũng không đồng tình với quyết định của Washington. Tổng thư ký Liên hợp quốc, thông qua đặc phái viên Mỹ tại Liên hợp quốc, thừa nhận WHO đã phạm phải những sai lầm trong đối phó với đại dịch, nhưng cũng khẳng định rằng hiện tại không phải thời điểm để các bên đổ lỗi cho nhau. Trong một tuyên bố ngày 14-4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định việc điều tra dịch COVID-19 đã lây lan như thế nào trên thế giới sẽ tiến hành sau này và hiện không phải là thời điểm để làm phân tán nguồn lực của WHO cũng như các tổ chức cứu trợ nhân đạo khác trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, đây là thời điểm cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau trong sự đoàn kết để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 14-4 cũng kêu gọi các nước khác không chính trị hóa dịch COVID-19 cũng như hoạt động của WHO. Ông Lavrov cho rằng bất cứ ai biết trình tự các hành động của WHO chắc chắn sẽ thấy rằng tổ chức này đã hành động hiệu quả. Theo ông Lavrov, thay vì chỉ trích WHO, cần tập trung vào các biện pháp cụ thể để ngăn chặn đại dịch và giảm thiểu ảnh hưởng của nó, đặc biệt là đối với sức khỏe con người.
Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đang là vấn đề của thế giới, của toàn thể nhân loại. Với tầm mức đó, nó chỉ có thể được giải quyết hiệu quả nếu tất cả các quốc gia và các tổ chức quốc tế cùng nhau hợp tác. Cuộc chiến với COVID-19 còn lâu dài và phức tạp, chỉ có đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận mới có thể giúp toàn thế giới vượt qua và chiến thắng được đại dịch.
Theo TTXVN