Sau quyết định của Tổng thống Trump, Quỹ Bill Gates tăng tài trợ cho WHO

Trước khi tuyên bố tài trợ thêm 150 triệu USD, Quỹ Bill & Melinda Gates đã chi 100 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Quỹ Bill & Melinda Gates đã quyết định tài trợ thêm 150 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thúc đẩy tốc độ tìm ra phương pháp chữa trị, vắc-xin và các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng trước dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra.

“Không tài trợ cho WHO là một quyết định nguy hiểm và vô nghĩa khi cả thế giới đang đối mặt với khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19. Chúng ta cần một phản ứng phối hợp toàn cầu. WHO chính xác là tổ chức có thể xử lý đại dịch này”, hãng tin Reuters dẫn lời của bà Melinda Gates trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Quỹ Bill & Melinda Gates quyết định tài trợ thêm 150 triệu USD cho WHO. Ảnh: BI

Bà Melinda là người đồng sáng lập Quỹ và cũng là vợ của nhà tỷ phú Bill Gates. Quỹ Bill & Melinda Gates là nhà tài trợ lớn thứ hai cho WHO, chỉ sau Mỹ. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã "rót" cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.

Ngày 14/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ dừng tài trợ cho WHO, vì cho rằng tổ chức này “thất bại trong nhiệm vụ căn bản” khi để đại dịch chiếm ưu thế và "cần phải chịu trách nhiệm".

Trong một phản ứng trước động thái của Tổng thống Trump, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 15/4 cho biết ông lấy làm tiếc trước quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ. Ông nhấn mạnh tổ chức vẫn đang đánh giá sức ảnh hưởng từ quyết định này và sẽ “tìm cách lấp khoảng trống với những đối tác khác”.

Trước khi tuyên bố viện trợ thêm 150 triệu USD, Quỹ Bill & Melinda Gates đã chi 100 triệu USD cho WHO. Bà Melinada cho biết bất kỳ khoảng trống nào trong việc viện trợ cho WHO cũng rất khó để những đối tác khác bù vào.

Bên cạnh việc hỗ trợ tìm ra thuốc và vaccine chống virus SARS-CoV-2, tiền viện trợ từ Quỹ Gates chủ yếu giúp đỡ các quốc gia nghèo và những người dễ bị tổn thương trước dại dịch.

“Bất kỳ khi nào có khủng hoảng y tế xảy ra như thế này, những người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ là những người chúng ta cần giúp đỡ để đảm bảo những thứ như tiền hay được tiếp cận với hệ thống y tế”, bà Melinda chia sẻ. Hiện vẫn chưa chế tạo được vaccine hay thuốc cũng như tìm ra phương pháp điều trị cho người mắc COVID-19.

Tổng thống Donald Trump ngày 14/4 tuyên bố ông đã chỉ thị tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do cách tổ chức này xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của tổ chức này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm".

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã tuyên bố Mỹ đang tìm cách "thay đổi căn bản" Tổ chức Y tế Thế giới. Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Trong lịch sử, WHO đã thực hiện tốt một số công việc. Thật không may trong trường hợp này, tổ chức này đã không thể hiện tốt vai trò của mình".

Ông Pompeo cũng đồng thời khẳng định Mỹ cần đảm bảo thúc đẩy những nỗ lực để thay đổi căn bản điều đó hoặc đưa ra một quyết định khác cho thấy Mỹ đang làm phần việc của mình để đảm bảo những nghĩa vụ y tế thế giới quan trọng này - những điều cũng giúp giữ vững sự an toàn cho người dân Mỹ - thực sự hoạt động.

Phát biểu trong buổi họp báo tại trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneve, Thụy Sỹ ngày 15/4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông lấy làm tiếc vì quyết định của Mỹ vì vào thời điểm này, sự chia rẽ sẽ càng khiến tất cả dễ tổn thương hơn trước COVID-19.

Theo TTXVN/Báo Tin tức