Cuối tháng 3-2020, Tổ chức Du lịch Thế giới trực thuộc Liên hợp quốc cho biết, việc bùng phát đại dịch COVID-19 sẽ khiến ngành du lịch toàn cầu bị thiệt hại nặng nề do chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp chưa từng có để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động vận tải đường không quốc tế và nội địa. Lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 20-30%. Điều này dẫn đến tổn thất ước tính 300-450 tỷ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020, tương đương gần 1/3 trong số 1.500 tỷ USD mà ngành này thu được vào năm 2019.
Kim tự tháp Giza ở ngoại ô phía Tây Nam thủ đô Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP)
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các “cường quốc” về du lịch cũng như các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới như: Pháp, Italia, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… đang phải trải qua cơn khủng hoảng chưa từng thấy. Du lịch Italia vốn mang lại gần 100 tỷ USD mỗi năm và giải quyết việc làm cho khoảng 6% số lao động của nước này. Tuy nhiên, trước “cơn lốc” của đại dịch COVID-19, Hiệp hội Du lịch Italia đánh giá dịch COVID-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với ngành du lịch Italia. Trên phạm vi toàn quốc, số phòng khách sạn được đặt trước ở Italia đã liên tục bị hủy. Không chỉ các khu vực có dịch mà cả những khu vực được cho là không có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng bị tác động. Các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát ở những khu vực dịch bệnh bùng phát buộc phải đóng cửa. Hiệp hội Du lịch Italia kêu gọi Chính phủ cần có các giải pháp cấp bách nhằm đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan hạ dự báo lượng du khách nước ngoài tới “Xứ sở Chùa vàng” trong năm nay giảm xuống còn 33 triệu lượt, giảm ba triệu lượt so với chỉ tiêu mới nhất và thấp hơn khoảng 6 đến 7 triệu lượt so với mức kỷ lục 39,8 triệu lượt được ghi nhận năm 2019.
Không chỉ vậy, giữa bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, các địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới ngày thường vốn đông đúc nay trở nên không bóng người qua lại. Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp; Kim tự tháp Giza ở ngoại ô phía Tây Nam thủ đô Cairo, Ai Cập; Quảng trường Bolivar ở Bogota, thủ đô Colombia; Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ; Đấu trường Colosseum ở Rome, Italia ... không khác gì những kỳ quan bị nhân loại “lãng quên” trong các bộ phim về ngày tận thế.
Theo Tổ chức Du lịch và lữ hành thế giới, nhằm hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khủng hoảng bởi COVID-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang áp dụng nhiều chính sách nhằm hỗ trợ ngành du lịch của họ đối phó với đại dịch COVID-19. Tại Tây Ban Nha, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố khoản tài trợ trị giá 400 triệu euro cho các công ty vận chuyển, taxi, khách sạn, nhà hàng, cho thuê xe, đại lý du lịch, bảo tàng… có trụ sở tại Tây Ban Nha cần thanh khoản với giới hạn 500.000 euro. Chính phủ cũng đã công bố gói 200 tỷ euro để giúp các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm dễ bị tổn thương khác bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong số 200 tỷ euro, một nửa được gắn với chương trình bảo lãnh công để đảm bảo tính thanh khoản cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và để giảm bớt tình trạng sa thải hàng loạt.
Thủ tướng Anh cũng đã đưa ra gói các biện pháp tạm thời để hỗ trợ các dịch vụ công cộng, người dân và doanh nghiệp với tổng kinh phí lên tới 330 tỷ bảng. Các biện pháp được áp dụng bao gồm: miễn lãi suất 12 tháng cho tất cả các doanh nghiệp bán lẻ, khách sạn và giải trí ở Anh; tài trợ từ 15.000 đến 51.000 bảng cho các doanh nghiệp bán lẻ, khách sạn và giải trí; 10.000 bảng cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ cũng cung cấp khoản vay lên tới 5 triệu bảng cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua Ngân hàng doanh nghiệp Anh.
Tại Pháp, Chính phủ Pháp đã thành lập quỹ “Solidarity Fund” trị giá 2 tỷ euro hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, gồm 160.000 doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, 140.000 doanh nghiệp thương mại và 100.000 doanh nghiệp du lịch.
Ngay khi Singapore bắt đầu xuất hiện COVID-19 vào ngày 23-1, Chính phủ đã đưa ra một số chính sách và biện pháp hỗ trợ ngành du lịch. Chính phủ thực hiện miễn lệ phí cấp giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên; tăng cường các chương trình đào tạo và trợ cấp; hỗ trợ lên tới 70% tiền lương cố định hàng tháng (giới hạn ở mức 2000 USD/tháng) cho lao động. Chính phủ cũng đã giảm phí hạ cánh và đỗ máy bay cũng như giảm giá cho thuê đối với các cửa hàng và đại lý hàng hóa tại sân bay Changi; tăng cường cho vay vốn lưu động; giảm 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức giảm cao nhất 15.000 USD mỗi công ty.
Ngành du lịch Philippines sẽ nhận được một phần đáng kể trong gói hỗ trợ 523 triệu USD (27,1 tỷ peso). Trong đó 271 triệu USD (14 tỷ peso) từ Cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp du lịch (TIEZA) dành cho các chương trình và dự án của Bộ Du lịch Philippines. Để hỗ trợ người lao động, 23 triệu USD (1,2 tỷ peso) sẽ được sử dụng làm trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ khu vực tư nhân; 58 triệu USD (3 tỷ peso) dành cho việc đào tạo lại lao động; gần 40 triệu USD (2 tỷ peso) sẽ được phân bổ cho các chương trình bảo trợ xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bộ Du lịch Philippines đang dự tính phân bổ khoảng 118 triệu USD (6 tỷ peso) cho công tác quảng bá trong giai đoạn phục hồi; trong đó có 421 triệu peso dành cho du lịch nội địa và 4,6 tỷ peso để hướng tới quảng bá tại các thị trường khách quốc tế không bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Trong khi đó, Hồng Kông (Trung Quốc) ban hành Chương trình trợ cấp cho đại lý du lịch nhằm chống lại dịch bệnh. Khoảng 1.350 đại lý du lịch đủ điều kiện có thể nhận được trợ cấp một lần là 80.000 đô la Hồng Kông để giúp họ vượt qua những khó khăn tài chính khi dịch bệnh bùng phát. Ước tính đã có 98% đại lý du lịch được cấp phép tại Hồng Kông đã đăng ký để nhận trợ cấp.
Tổ chức Du lịch và lữ hành Thế giới cũng kêu gọi chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch theo 3 trọng tâm. Thứ nhất, bảo vệ sinh kế cho người lao động: trợ giúp tài chính để đảm bảo thu nhập của hàng triệu người lao động đang gặp khó khăn. Thứ hai, hỗ trợ tài chính: mở rộng các khoản vay không giới hạn và không tính lãi cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ để ngăn chặn sự phá sản hàng loạt. Các khoản thuế và phí đối với doanh nghiệp du lịch cần được miễn trừ với hiệu lực ngay lập tức trong ít nhất 12 tháng tới. Thứ ba, kích thích thanh khoản và lưu chuyển tiền mặt: kích thích tính thanh khoản và dòng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cũng như cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ngành.
Theo Báo điện tử ĐCSVN