Việt Nam được đánh giá cao trong việc hỗ trợ các nước châu Âu chống COVID-19

Truyền thông Đức và châu Âu đã đăng tin đánh giá cao việc Việt Nam tặng khẩu trang cho các nước châu Âu chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi đó, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cũng gửi lời cảm ơn vì hành động nghĩa cử này của Việt Nam.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn tin từ báo Làn sóng Đức (DW) cho biết Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ hàng trăm nghìn khẩu trang cho các nước châu Âu chống dịch. Theo bài báo, Chính phủ Việt Nam đã tặng 550.000 khẩu trang kháng khuẩn cho đại diện đại sứ quán 5 nước châu Âu ở Hà Nội, gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh. Cùng ngày, kênh truyền thông euronews của châu Âu đưa tin ngoài 5 nước châu Âu kể trên, Việt Nam cũng tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho các nước Campuchia, Lào và Trung Quốc để chống dịch.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng trao hàng hỗ trợ của Việt Nam đến
Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Maria Jesus Figa Lopez-Palop. Ảnh minh họa: Lâm Khánh/TTXVN

Trang Facebook của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam đã đăng thông tin, đồng thời gửi lời cảm ơn việc Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ Đức 110.000 khẩu trang phòng dịch COVID-19. Nguồn tin dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế" trong cuộc chiến chống đại dịch. Theo Thứ trưởng Tô Anh Dũng, với số hàng trao tặng này, Việt Nam muốn hỗ trợ các đối tác châu Âu từng nhiều lần thể hiện tình đoàn kết và hữu nghị trong quá khứ với Việt Nam.

Đại sứ quán Đức cũng cho biết trong những ngày qua, cộng đồng người Việt tại Đức đã nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến chống đại dịch, huy động được hàng nghìn khẩu trang y tế, khẩu trang vải tự may, găng tay bảo hộ y tế để trao tặng cho các cơ sở như bệnh viện, viện dưỡng lão, các trung tâm y tế và cảnh sát. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng Việt ở Đức cũng thể hiện tình đoàn kết khi phát tặng hàng nghìn suất ăn cho các bác sĩ và y tá điều dưỡng tại các trung tâm điều trị tích cực. Đại sứ quán Đức bày tỏ ấn tượng và lòng biết ơn trước sự quyết tâm chống đại dịch của cộng đồng người Việt, cũng như sức mạnh của tình hữu nghị Đức-Việt trong những thời kỳ khó khăn.

Cũng theo Đại sứ quán Đức, các cơ sở nghiên cứu, giới khoa học và chính phủ hai nước Đức và Việt Nam đang cùng hợp tác một cách mẫu mực trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2. Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt – Đức (VG-CARE) mới đây đã cung cấp 6.000 ống lấy mẫu bệnh phẩm để tiến hành nghiên cứu lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 ở Đức, do Đại học Tổng hợp Tübingen phối hợp với các trường Đại học Hamburg và Stuttgart tiến hành. Để đáp lại sự hỗ trợ của Việt Nam, Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới Đức (WUS) đã trao tặng 20 máy lọc nước để cung cấp nước sạch cho khoảng 12.000 người. Hệ thống máy lọc nước sạch không sử dụng hóa chất (PAUL) do Trường Đại học tổng hợp Kassel phát triển này sẽ giúp cung cấp nước sạch cho người dân, đặc biệt tại các khu vực miền núi hẻo lánh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng với Đại sứ Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn nhật báo Berlin (Berliner Zeitung) ngày 7/4, bà Regine Hengge, Giáo sư vi sinh có uy tín tại Đại học Humbolt, khuyến cáo giới chức và người dân Đức nên theo mô hình Việt Nam đeo khẩu trang để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Bản thân Giáo sư Hengge cũng phát động chiến dịch trên mạng Instagram kêu gọi mọi người đeo khẩu trang.

Liên tưởng chiếc khẩu trang góp phần phòng chống dịch, Giáo sư Hengge kể về trải nghiệm khi gia đình bà tới thăm Việt Nam năm ngoái và chứng kiến nhiều người dân Việt Nam tự giác đeo khẩu trang dù trên đường phố, trên xe buýt hay ở các cửa hàng. Khi so sánh số người mắc COVID-19 ở Việt Nam, Giáo sư Hengge thấy tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 rất thấp, tăng rất chậm và hiện mới chỉ trên 250 trường hợp.

Bà nhận định rằng khi dịch bệnh lan tràn, mọi người nên đeo khẩu trang để nếu đã nhiễm thì không lây bệnh cho người khác. Bà cũng cho biết đã viết thư cho Chủ tịch Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler và nhà virus học hàng đầu Christoph Drosten tại Bệnh viện Charité. Hai nhà khoa học này đều đồng tình với phân tích của Giáo sư Hengge, song cho rằng Đức sẽ không đủ khẩu trang cho tất cả mọi người. Theo Giáo sư, điều quan trọng là có thiết bị che mũi và miệng ở nơi công cộng, không quá quan trọng chủng loại, đồng thời phải kết hợp các biện pháp khác như rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách. Bà thậm chí cho rằng chiếc khẩu trang sẽ trở thành một phụ kiện thời trang của mùa Hè 2020.

Theo TTXVN/Báo Tin tức