Các gói cứu trợ khổng lồ
Tại Mỹ, ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, dự luật cứu trợ khẩn cấp thứ ba nếu được thông qua và ban hành thành luật sẽ mở đường cho việc chính phủ Mỹ bơm hơn 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế trong chương trình hỗ trợ các công ty chịu thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây là dự luật có số tiền lớn nhất của chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Những quốc gia châu Âu có số người mắc và tử vong cao vì COVID-19 cũng liên tiếp tung ra các gói cứu trợ lớn. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỷ euro (5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ nước này sẽ dành 4,3 tỷ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez công bố gói biện pháp trị giá 200 tỷ euro (tương đương 219 tỷ USD), trong đó bao gồm các khoản vay, đảm bảo tín dụng, viện trợ trực tiếp nhằm giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19. Thủ tướng Sanchez cho biết số tiền trên chiếm 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, trong đó chính phủ sẽ huy động 117 tỷ euro (128 tỷ USD) và số còn lại sẽ đến từ các công ty tư nhân. Các biện pháp này bao gồm 100 tỷ euro (109,7 tỷ USD) để đảm bảo tín dụng và duy trì thanh khoản không giới hạn cho các công ty.
Trong khi đó, chính phủ Anh đang dành riêng một khoản ngân sách trị giá 3 tỉ bảng cho các dịch vụ cộng đồng. Khoản tiền này được trích từ quỹ đối phó với COVID-19 trị giá 5 tỉ bảng được công bố trong kế hoạch ngân sách của Bộ Tài chính Anh. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tuyên bố Anh đã phát động chương trình can thiệp kinh tế lớn bậc nhất trong lịch sử nước này, đồng thời cảnh báo những thách thức nặng nề sắp tới. Bên cạnh các gói hỗ trợ tiền lương, chính phủ và ngân hàng trung ương Anh cũng tung ra hàng loạt các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của virus SARS-CoV-2 lên nền kinh tế như 2 lần cắt giảm lãi suất trong tháng này và mở rộng mạnh mẽ chương trình mua trái phiếu.
Tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cảnh báo nước này đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm nay, đồng thời công bố gói hỗ trợ 45 tỷ euro (khoảng 50,22 tỷ USD) cho các doanh nghiệp và người lao động chịu tác động của COVID-19. Theo ông Le Maire, cuộc chiến chống dịch COVID-19 là cuộc chiến về kinh tế và tài chính và cuộc chiến sẽ kéo dài, cần tới sự huy động của mọi lực lượng.
Thượng viện Đức mới đây đã thông qua gói cứu trợ dịch COVID-19, mở đường cho việc giải ngân 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang lâm vào khủng hoảng do đại dịch này. Dự kiến, gói cứu trợ trên sẽ được phân bổ để cung cấp các khoản vay mới cho các doanh nghiệp và hỗ trợ hệ thống y tế, cũng như đảm bảo các khoản vay ngân hàng cho các công ty. Chính phủ Đức dự đoán đại dịch lần này sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Mới đây nhất, ngày 30/3, chính phủ Australia cam kết chi thêm 130 tỷ AUD (tương đương 79,85 tỷ USD), trong đó tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu người lao động đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Đây cũng là gói hỗ trợ từ ngân sách lớn nhất trong lịch sử nước này, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả mọi lao động và việc làm trong cơn đại dịch “trăm năm mới xảy ra một lần”.
Cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, Iran đã phân bổ ngân sách lên tới 23,9 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Trong gói ngân sách khẩn cấp này, khoảng 3 tỷ USD sẽ được rót cho lĩnh vực y tế, và 1,2 tỷ USD được sử dụng để thiết lập quỹ trang trải chi phí thất nghiệp. Khoảng 17,8 tỷ USD sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp dưới dạng các khoản vay lãi suất thấp. Chính phủ Iran cũng sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp với tổng số tiền 1,9 tỷ USD. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết chính phủ sẽ phân bổ số tiền tương đương 20% ngân sách nhà nước hàng năm để hỗ trợ cho những lĩnh vực và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh COVID-19 đang lan rộng tại châu Á, Malaysia đã công bố “gói kích cầu kinh tế lấy con người làm trung tâm”, trị giá 250 tỷ ringgit (58,28 tỷ USD nhằm hạn chế tác động về kinh tế do dịch COVID-19 gây ra). Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin khẳng định tình hình hiện nay là “chưa từng có tiền lệ”, đòi hỏi các biện pháp chưa từng có. Ông cho biết gói kích cầu này đảm bảo bao phủ toàn bộ các thành phần trong xã hội, đảm bảo các phân khúc mục tiêu được ưu tiên và lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Hàn Quốc công bố gói cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ lên tới 50.000 tỷ won (39 tỷ USD). Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh gói cứu trợ nói trên là “biện pháp tài chính đặc biệt khẩn cấp”, “chưa từng có tiền lệ” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân tự khởi nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, đồng thời làm giảm bớt lo ngại về mặt tài chính của các doanh nghiệp này trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Trước những tác động của dịch COVID-19, giới chức Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ sớm đưa ra gói kích thích kinh tế, có thể lên tới 515 tỷ USD, chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự kiến, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ yêu cầu Nội các công bố gói kích thích này trong tháng 4/2020. Nếu được công bố, gói cứu trợ này còn cao hơn số tiền Nhật Bản đã chi trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Cần một chiến lược đối phó toàn cầu
Theo các nhà phân tích, nguồn tài chính mà các nước dự kiến bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế giải quyết hậu quả của khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã vượt xa số tiền giải cứu khủng hoảng tài chính 2008-2009. Tuy nhiên, đây chắc chắn chỉ là khởi đầu. Tổng giá trị các chương trình hỗ trợ đã vượt quá quy mô của khủng hoảng tài chính, với cái giá phải trả là thâm hụt kỷ lục. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo thâm hụt ngân sách của Italy và Tây Ban Nha sẽ lên đến 10% GDP, và của Pháp khoảng 7% GDP. Nợ công của Italy sẽ tăng từ 135% GDP lên 161% GDP. Liên minh châu Âu (EU) cũng mở khóa cho chi tiêu ồ ạt. EU đã nhất trí đầu tư một khoản ngân sách lớn, tạm ngừng áp dụng các quy tắc của Thỏa thuận ổn định tài chính công. Các nước thành viên cũng nghiên cứu biện pháp huy động các nguồn ngân sách chung thông qua Cơ chế ổn định tài chính châu Âu, một quỹ từng tham gia cứu trợ Hy Lạp, hiện có thể sử dụng tới 410 tỷ euro. Sau phản ứng khẩn cấp ban đầu, các nước sẽ cần đến một chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hai.
Dịch bệnh COVID-19 là một trải nghiệm chưa từng có của nền kinh tế thế giới, theo nhận định của ông Bruno Cavalier, kinh tế gia trưởng của tập đoàn tài chính ngân hàng Pháp-Đức Oddo BHF. Sự kiện lần này hoàn toàn khác với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và cuộc Đại suy thoái 1930. Tính chất khó dự báo về cuộc khủng hoảng dịch bệnh, quy mô và thời gian kéo dài của nó khiến cho đánh giá về tác động kinh tế khó khăn. Chỉ có một điều chắc chắn: Suy thoái là không thể tránh khỏi. Nhưng với mức độ như thế nào? Sẽ kéo dài bao nhiêu quý? Quá trình phục hồi sẽ diễn ra theo hình chữ V với tăng trưởng nhảy vọt hay không? Giới phân tích kinh tế rất mơ hồ và chưa thể đưa ra một câu trả lời cụ thể.
Hiện nay các nước chịu tác động nặng nề của đại dịch đều công bố các biện pháp mạnh nhưng cần có thêm nhiều giải pháp khác để giảm nhẹ cú sốc cho doanh nghiệp và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những chương trình hỗ trợ mới tập trung vào cầu, phải tác động lên cả cung khi hết tình trạng phong tỏa vì dịch bệnh.
Tờ Financial Times của Anh nhận định đang có một vấn đề lớn trong chiến lược đối phó với đại dịch COVID-19. Các nền kinh tế phát triển đã công bố các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có, ngược lại, các nước châu Phi lại không có các biện pháp can thiệp tương tự. Nếu COVID-19 không bị đánh bại ở châu Phi, dịch bệnh sẽ quay trở lại với phần còn lại của thế giới. Đó là lý do tại sao chiến lược hiện tại, chỉ bao gồm các biện pháp của các quốc gia cụ thể mà không có sự phối hợp chung, là không bền vững và có thể phản tác dụng. Chúng ta có thể đánh bại đại dịch với chiến lược toàn cầu. Thiếu những nỗ lực chung, châu Phi có thể đối mặt với tác động tồi tệ nhất, nhưng châu lục này không phải là nơi cuối cùng gánh chịu hậu quả. Các nước trên thế giới đều sẽ bị ảnh hưởng do đó tất cả phải cùng nhau hành động để chấm dứt dịch bệnh này.
Thực tế cho thấy chiến thắng trong việc kiểm soát COVID-19 ở cấp quốc gia, cùng với các lệnh cấm đi lại và đóng cửa biên giới, có thể mang lại một kết quả tạm thời. Chỉ có chiến thắng toàn cầu mới có thể chấm dứt đại dịch này. Chiến lược khắc phục những tổn thất về con người và kinh tế của đại dịch COVID-19 phải mang tính toàn cầu, từ khâu xây dựng và thực hiện hành động.
Theo TTXVN