Báo Bloomberg đưa tin 500 người giàu nhất thế giới vừa mất tổng cộng 331 tỷ USD vào ngày 12/3 – ngày thiệt hại lớn nhất nhất trong lịch sử 8 năm của bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index. Diễn biến mới nhất này đã nâng mức thiệt hại của nhóm 500 người trên trong năm 2020 là 950 tỷ USD.
Thị trường tài chính New York chao đảo vì dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Pound Sterling
Cú sốc tài chính tuần này đã đặt dấu chấm hết cho một thập kỷ của các thị trường tăng vọt và tiền mất giá, vốn giúp giới tỷ phú trên hành tinh này gặt hái khoản tiền kỷ lục 6.100 tỷ USD trong chưa đầy hai tháng trước. Những thành quả trên đã bị xóa sạch trong bốn ngày qua khi nỗi hoảng sợ về đại dịch và giá dầu lao dốc khiến các thị trường tài chính đều chao đảo.
Chỉ số Bloomberg Billionaires Index cho thấy từ đầu năm 2020, những người giàu nhất thế giới đã mất 16% tổng giá trị tài sản. Cuộc khủng hoảng thị trường hiện nay đã giáng đòn mạnh vào các tỷ phú ở mọi nơi và mọi lĩnh vực.
“Mọi người đang lo lắng. Giới đầu tư đang chứng kiến tâm lý hoang mang chưa từng thấy – rủi ro sức khỏe tài chính. Đó là thứ vượt ra ngoài những nỗi lo lắng và sợ hãi thông thường của thị trường”, ông Charles Doraine, Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Doraine nhận xét.
Nỗi lo âu của giới siêu giàu được chứng minh bằng sự gia tăng nhu cầu đi lại bằng máy bay riêng, hủy bỏ các lễ từ thiện cũng như hành động đến nơi vắng vẻ lánh nạn. Các biện pháp hạn chế toàn cầu, nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra, hầu như không gây trở ngại cho tầng lớp thượng lưu này "tìm nơi trú ẩn".
Trong ngày 12/3 đầy biến động, các hành khách khá giả đổ xô đặt vé máy bay tư nhân từ châu Âu về Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp lệnh cấm nhập cảnh có hiệu lực ngay hôm 12/3 nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Quyết định đầy bất ngờ trên của ông chủ Nhà Trắng tối 11/3 đã không hề trấn an các nhà đầu tư, thậm chí còn khiến thị trường chứng khoán Mỹ trượt sâu hơn nữa, cuốn theo tài sản của một số nhà tài trợ lớn của ông.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Ông trùm dầu mỏ Mỹ Harold Hamm thậm chí còn tuột khỏi bảng xếp hạng hôm 9/3 sau khi bị mất trắng gần một nửa số tài sản vì giá dầu lao dốc trên thị trường thế giới. Hay như Sheldon Adelson, cổ đông lớn nhất của Las Vegas Sands Corp. – sòng bạc quy mô nhất thế giới – cũng mất 11,7 tỷ USD kể từ đầu năm nay vì các sòng bạc vắng bóng người chơi và nhiều sự kiện lớn bị hủy bỏ do lo ngại dịch bệnh COVID-19. Số tiền trên vượt quá 1/4 giá trị tài sản của Adelson.
Chủ tịch Carnival Corp., ông Micky Arison, cũng tụt 6 vị trí trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg vào ngày 12/3, do cổ phiếu của hãng du thuyền lớn nhất thế giới này sụt giảm tới 31% và xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 23 năm. Công ty này tuyên bố dừng mọi hoạt động đối với chuỗi tàu du lịch hạng sang Princess Cruises trong hai tháng.
Không nằm ngoại lệ, tài sản của tỷ phú Bernard Arnault, Chủ tịch công ty hàng xa xỉ LVMH, bị "bay" mất 9,5 tỷ USD. Trong khi đó, ông chủ Amazon mất gần 8,1 tỷ USD. Sau cú sốc ngày 12/3, có tổng cộng 53 tỷ phú thế giới chứng kiến gia tài bị giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi lọt vào bảng xếp hạng Bloomberg.
Các tỷ phú ở Brazil cũng chịu tác động nặng nề do chỉ số chứng khoán sụt giảm lẫn đồng nội tệ real mất giá. Guilherme Benchimol, người sáng lập XP Inc., không còn là tỷ phú sau khi cổ phiếu của công ty môi giới có trụ sở tại Sao Paulo này giảm 34% so với giá chào bán công khai ban đầu vào tháng 12.
Cùng lúc đó, khoảng 20 người giàu nhất nước Nga cũng bị thua lỗ 65 tỷ USD trong năm nay, một phần ảnh hưởng từ cuộc tranh cãi về dầu mỏ với Saudi Arabia.
Sắc đỏ bao trùm tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 12/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán phố Wall của Mỹ đã tê liệt ngay khi bắt đầu phiên giao dịch sáng 12/3 (giờ Mỹ) sau khi các mã chứng khoán nước này lao dốc vì tác động của các thông tin xung quanh đại dịch viêm đường hô hấp câp COVID-19.
Hoạt động giao dịch gián đoạn sau khi chỉ số S&P 500 giảm tới 7% xuống mức 2.549,05 khiến cơ chế tự động tạm ngưng thị trường trong vòng 15 phút được kích hoạt. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng lao dốc 7,2% xuống mức 21.856,91 trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm sâu 7% xuống mức 7.393,25.
Trong ngày giao dịch 13/3, các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á cũng tiếp tục đà lao dốc trong bối cảnh mối lo ngại về đại dịch COVID-19 ngày càng gia tăng. Thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) đã "rung lắc dữ dội", chỉ số Nikkei có lúc đã giảm tới hơn 1.850 điểm (khoảng 10%), mức giảm mạnh nhất trong phiên kể từ tháng 4/1990. Vào lúc 10h30 phút sáng 13/3 (giờ địa phương), chỉ số Nikkei đã giảm 1.675,98 điểm (hay 9,03%) so với mức đóng cửa của phiên giao dịch trước, xuống còn 16.883,65 điểm.
Đây là lần đầu tiên chỉ số này xuống dưới ngưỡng 17.000 điểm kể từ tháng 11/2016. Các chứng khoán giảm mạnh nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khai khoáng và vận tải hàng không.
Theo TTXVN/Báo Tin tức