Phước Kháng là xã miền núi thuộc huyện Thuận Bắc, nơi sinh sống của đồng bào Raglai, kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi. Đời sống khó khăn, trình độ dân trí của bà con còn nhiều hạn chế. Để người dân ý thức và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, với vai trò là đảng viên tiêu biểu, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Chamaléa Ượng luôn sâu sát thực tế, nắm bắt tình hình đời sống của nhân dân, từ đó có những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Ông Chamaléa Ượng, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của một người đảng viên học tập và làm theo lời Bác.
Ngoài các buổi sinh hoạt thôn, trong những lúc rảnh rỗi, ông tìm đến trò chuyện cùng người dân, bằng kiến thức mình có được cùng với sự chia sẻ chân tình, cởi mở, nên bà con ngày càng ý thức được nhiều vấn đề, không tin, nghe theo các luận điệu sai trái, lôi kéo trái pháp luật, mà thay vào đó chú trọng hơn đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức ma chay, cưới hỏi theo hướng đơn giản, tiết kiệm; các nghi lễ, hủ tục rườm rà trước đây được loại bỏ, nạn tảo hôn không còn diễn ra. Bên cạnh đó, ông còn chủ động phối hợp với chính quyền xã kịp thời giải quyết các vụ việc vướng mắc, mâu thuẫn trong nhân dân; tham mưu cho địa phương thành lập các tổ bảo vệ an ninh xung kích, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Chamaléa Ượng còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương, với sự cần cù, chịu khó học tập, ông triển khai mô hình sản xuất mang lại kinh tế cao. Hiện nay, ông sở hữu hơn 1 ha đất canh tác trồng cây nem, hoa màu và cỏ voi làm thức ăn cho 14 con bò, dê; thu nhập bình quân đạt trên 60 triệu đồng/năm. Để bà con noi gương và làm theo, ông tiên phong thực hiện các dự án thí điểm cây trồng, giống vật nuôi mới, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, sau đó truyền đạt kiến thức lại cho người dân. Từ việc làm thiết thực, cụ thể, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các nông hộ trên địa bàn. Nếu như trước đây, diện tích gieo trồng trong xã chủ yếu trồng bắp, lúa giá trị kinh tế thấp, thì nay đã được chuyển sang trồng cây ăn quả, nhiều mô hình chăn nuôi dưới tán rừng được thực hiện, đem lại thu nhập ổn định. Ngoài ra, đối với những hộ nghèo, ông dành nhiều thời gian nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp trên tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn vay vốn sản xuất, xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm ở địa phương giảm từ 3-4%/năm, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Song song đó, ông tích cực tham gia cùng chính quyền và Mặt trận, các hội, đoàn thể tại địa phương vận động nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng nông thôn mới. Hiểu rõ mục tiêu của xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ lợi ích cho chính mình, người dân tự nguyện tham gia đóng góp ngày công cùng nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng; một số hộ tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản. Đến nay, trên địa bàn xã có 100% đường bê - tông nối liền giữa các thôn. Bên cạnh đó, ông luôn gương mẫu trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, vận động người dân không nuôi heo thả rong, xây dựng cảnh quan “xanh-sạch-đẹp” trong khu dân cư…
Với những đóng góp thiết thực trong nhiều năm liền, ông Chamaléa Ượng được chính quyền các cấp ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2019, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì “Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, giai đoạn 2014-2019” và được bầu là đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II-2020.
Hồng Lâm