Đờn ca tài tử Nam Bộ
Ngày 29-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc gửi hồ sơ “Đờn ca tài tử Nam Bộ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trình tổ chức Khoa học- Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2011.
Được coi là thủy tổ của dân tộc - đất nước, nên người Việt rất coi trọng thờ cúng Hùng Vương, ý thức này trở thành tập quán, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hàng ngàn năm nay. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm cũng chính nhằm mục đích giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn.
Trong khi đó, đờn ca tài tử là sinh hoạt văn hóa bình dân, gắn với cuộc sống người lao động được trình diễn phục vụ con người trong cuộc sống hàng ngày như: đám cưới, sinh nhật, cuộc vui, nhân các sự kiện cộng đồng như thờ Tổ, lễ hội, cúng Kỳ yên, giỗ tổ tiên, khi rảnh rỗi, lúc lao động. Không gian biểu diễn rất đa dạng, bất kể nơi đâu: trên thuyền, dưới tán cây, trong nhà, ở sân, vườn, miếu… là môi trường để đờn ca tài tử thăng hoa, ngẫu hứng.
Hồ sơ của 2 di sản này đã được gửi sang trụ sở UNESCO đặt tại Pháp để chờ xét duyệt ngay sau khi có quyết định của Chính phủ.
Nguồn Báo điện tử Đài TNVN