Tác giả - tác phẩm

“ Vị mặn”

Biển xanh

Đọng thành muối trắng

Dâng đời vị mặn

Ngàn năm.

Em lặng thầm

Gió. Nắng

Chắt chiu vị mặn

Đời anh !

Em và biển xanh

Trong ngần muối trắng

Anh nâng niu vị mặn

Tình yêu.

THÁI SƠN NGỌC

Lời bình:

Thơ Thái Sơn Ngọc, một giọng thơ trữ tình đằm thắm với chất giọng thâm trầm dễ gây ấn tượng, dễ mến. “Vị mặn” bài thơ tình như thế.

Hình tượng biển xanh được mở ra và dẫn ta đến một kết tinh “ Đọng thành muối trắng ”. Muối trắng kết tinh đem lại hạnh phúc cho con người- dâng đời vị mặn – Vị mặn đem đến sự sống cho muôn loài.

Cuộc đời con người sẽ nhạt nhẽo biết bao nếu thiếu vắng cái vị mặn ấy! Khổ thơ kết chặt lại bằng khái niệm thời gian - ngàn năm – mãi mãi cái vị mặn muối trắng tinh khiết bắt nguồn từ người mẹ có tên là biển.

Từ vị mặn của muối biển, sang khổ thơ thứ hai, ý thơ liên tưởng đến con người, đến tình yêu. Em lặng thầm / Gió. Nắng. Gió nắng khắc nghiệt của đất trời hay gió nắng của cuộc đời khổ ải nếm trải buồn vui đã luyện cho em cái chất mặn đẹp mà đời chỉ e dè ban tặng cho những ai biết đón nhận chắt chiu. Và cái hạnh phúc không ngờ em- người con gái lặng thầm ấy- đến với anh;

Em lặng thầm

Gió. Nắng

Chắt chiu vị mặn

Đời anh!

Từ cái nắng để biển xanh cho cuộc đời vị mặn đến chắt chiu gió nắng của em để cho vị mặn đời anh là cả một quá trình, một sự liên tưởng ý vị nhảy vọt về chất. Từ vũ trụ bao la vô hạn đến con người hữu hạn sao mà hòa hợp lạ! Một sự ăn ý khơi gợi của tạo hóa đến ý thơ bắt gặp của một trái tim nhạy cảm yêu đương giàu chất suy tưởng, triết lí, nhân sinh.

Dù sao giữa biển và em còn có vẻ tách rời ở hai khổ thơ đầu. Biển sóng rạo rực của trái tim yêu chưa cho phép bờ lý trí cản ngăn mà còn tiếp tục dào dạt vỗ hòa hợp hai đối tượng em và biển:

Em và biển xanh

Trong ngần muối trắng

Anh nâng niu vị mặn

Tình yêu.

Muối trắng ở đây là vật chất mà cũng là tinh thần, là thực mà cũng là mơ, là trước mắt cũng là mãi mãi.

Ta chú ý một chút, tác giả viết trong ngần muối trắng chứ không phải muối trắng trong ngần. Đảo vị trí câu thơ, tác giả muốn đề cao, nâng niu trân trọng cái “trong ngần” kia. Cái trong ngần, trong như gương, ngần như trinh bạch ánh sáng ấy mới đáng quí làm sao! Chẳng phải với tác phẩm Truyện Kiều muôn đời bất hủ, thi hào Nguyễn Du đã để hết tâm lực bút mực ngợi ca Thúy Kiều cái phẩm chất trong ngần như trăng rằm tỏa sáng đó sao?

Vì vậy, anh nâng niu vị mặn là thế. Cái nâng niu- lượng ấy, mới có cái vị mặn- chất này. Bởi vị mặn ở đây đã thoát ra khỏi cái vật chất đang có để cất cánh bay lên thành nhạc, thành thơ, thành tình yêu, thành cuộc đời, niềm vui và cả nỗi buồn đáng quí.

Liền sau đó,tác giả có lí do hạ kết bài thơ hai tiếng - Tình yêu. Hai tiếng tình yêu khép lại bài thơ thật đúng lúc. Tình yêu đẹp, tình yêu chân chính được kết tinh bởi vị mặn ấy, trong ngần ấy, bởi “ biển một bên và em một bên” (Trần Đăng Khoa).

Cái hay của bài thơ là ở chỗ tác giả khép lại ở cái lúc nó mở ra. Mở ra, gợi ra cái đề tài hấp dẫn vô tận lúc nào cũng trong ngần, lúc nào cũng mới mẻ mà tạo hóa ban tặng cho con người: tình yêu.