Tổng Giám đốc Irina nhấn mạnh nhà thơ chuyển tải những thông điệp không chịu ảnh hưởng của thời gian và được tôn vinh như là những chứng nhân quan trọng nhất của những biến đổi chính trị-xã hội.
Những bài thơ của họ truyền cảm hứng để gắn kết con người với thiên nhiên, xây dựng lòng nhân ái trên sự đồng nhất và đa dạng của các dân tộc.
Từ năm 1999, UNESCO đã chọn ngày 21/3 là Ngày Thơ thế giới nhằm nhấn mạnh thơ là nhu cầu xã hội, khuyến khích con người, đặc biệt là thế hệ trẻ tìm về cội nguồn.
Cùng với mục đích hỗ trợ sự đa dạng ngôn ngữ thông qua cảm xúc thơ ca, Ngày Thơ thế giới đồng thời tạo cơ hội để các ngôn ngữ có nguy cơ biến mất được "tỏa sáng" trong cộng đồng người.
Ngoài ra, Ngày Thơ thế giới cũng nhằm hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn thơ, khuyến khích duy trì truyền thống ngâm thơ, bình thơ, thúc đẩy học thơ, khôi phục đối thoại với các nghệ thuật khác như sân khấu, múa, âm nhạc và hội họa, hỗ trợ các nhà xuất bản nhỏ và tạo ra hình ảnh hấp dẫn của thi ca trong các phương tiện thông tin đại chúng để thi ca không còn bị coi là nghệ thuật lỗi thời.
UNESCO cũng khuyến khích các nước kỷ niệm trọng thể Ngày Thơ thế giới ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia với sự tham gia tích cực của các ủy ban quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, trường học, viện bảo tàng, nhà xuất bản, các tổ chức văn hoá cũng như các cộng đồng dân cư.
(Nguồn: TTXVN/Vietnam+)