Ít ai ngờ giữa xóm làng vùng cao Phước Hà thuộc huyện Thuận Nam có vị già làng còn tâm huyết lưu giữ nghề làm giấy của đồng bào Raglai. Có lẽ ông Tâu Xá Chiến 71 tuổi người duy nhất đến thời điểm này của núi rừng Anh Dũng còn giữ được nghề làm giấy do tổ tiên truyền lại. Ông Chiến là cựu chiến binh thời chống Mỹ, cứu nước.
Ông Tâu Xá Chiến hướng dẫn kỹ thuật làm giấy của đồng bào Raglai.
Chúng tôi gặp ông Tâu Xá Chiến đang tất bật với việc nấu, giã vỏ cây rừng để làm nguyên liệu sản xuất giấy ở thôn Rồ Ôn. Ông cho biết thuở xa xưa, đồng bào Raglai xã Phước Hà sinh sống rải rác trên các triền núi cao. Vào những tháng mùa khô trời lộng gió, thanh niên vừa làm nương rẫy vừa thả diều, tiếng Raglai gọi là Katag. Mỗi cánh diều có gắn thêm cây sáo trúc gặp gió cất lên tiếng nhạc réo rắt vang xa. Muốn làm được diều thì phải có giấy nhưng đường từ núi cao về xuôi chưa thuận lợi như bây giờ. Người xưa sáng tạo cách chế biến giấy từ một loài cây rừng có tên bồ đề núi, tiếng Raglai gọi là Phun Binuk. Bồ đề núi được cư dân lột phần vỏ mỏng sát lõi cây đem về nấu sôi khoảng 2- 3 giờ. Vỏ cây nấu chín được vớt ra bỏ vào cối giã thành bột. Bột vỏ cây bồ đề đưa vào hủ sành dùng thanh tre đánh nhiều lượt cho thật nhuyễn. Sau đó đổ dung dịch vỏ cây bồ đề núi lên khung vải dùng tay tráng cho thiệt phẳng rồi đưa ra nắng phơi 1-2 giờ thì giấy khô. Khung vải phơi giấy có chiều dài khoảng 1,2 mét và chiều rộng khoảng 0,45 mét. Giấy bản do đồng bào Raglai sản xuất rất bền, chữ viết mực không nhòe khi bị ướt. Giấy được làm thành cánh diều lớn bằng chiếc nia phơi lúa, gặp gió tốt có thể bay lên cao 50- 70 mét. Dây thả diều cũng được làm bằng vỏ của một loài cây rừng có tên Talay Cadâu Catiết. Thả diều có gắn sáo trúc là thú chơi tao nhã của thanh niên Raglai thuở xa xưa.
Trong thời kỳ chống Mỹ, nhiều gia đình đồng bào Raglai ở chiến khu Anh Dũng sản xuất giấy phục vụ cho việc học chữ của con em. Đồng thời cung cấp giấy cho cán bộ viết truyền đơn tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng đưa về rải trong ấp chiến lược vùng xuôi. Giấy bản được sản xuất từ loài cây bồ đề núi đã góp phần cùng quân dân huyện Anh Dũng phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông Tâu Xá Chiến truyền nghề làm giấy của đồng bào Raglai cho hai người con rễ là Tâu Xá Chút và Tâu Xá Sắn. “Thời hiện đại không ai còn dùng giấy của đồng bào Raglai sản xuất nữa nhưng mình phải bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Nay tuổi cao sức yếu rồi nên mình truyền nghề làm giấy lại cho con cháu biết. Mình còn đưa cây bồ đề núi về trồng tại nhà vì sợ mai mốt núi rừng không còn loài cây quý này nữa”, ông Tâu Xá Chiến cười hồn hậu nói.
Sơn Ngọc