Thuận Nam là địa phương nằm trong tâm hạn của tỉnh, chịu tác động gay gắt của biến đổi khí hậu; đặc biệt, tình hình nắng nóng kéo dài trong thời gian qua phải ngưng sản xuất trong nhiều vụ. Trồng trọt gặp khó khăn, vì thế chăn nuôi là nguồn thu chủ yếu của nông dân. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 95.980 con gia súc; trong đó, dê, cừu 75.747 con; bò 18.280 con, heo trên 1.950 con. Ngay từ đầu năm, kế hoạch ứng phó với hạn được huyện triển khai quyết liệt, ngoài tích cực chuyển đổi cây trồng, trong chăn nuôi, huyện tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi mở rộng và phát triển diện tích trồng cỏ. Huyện cũng đề xuất, kiến nghị với tỉnh hỗ trợ giống cỏ VA06 cho nông dân các xã Phước Hà, Phước Nam và Phước Ninh trồng mới 20 ha cỏ; đồng thời, lên phương án di dời đàn phù hợp khi nắng hạn tiếp tục kéo dài.
Người dân xã Phước Trung (Bác Ái) di chuyển đàn cừu tìm kiếm nguồn thức ăn.
Cùng với sự định hướng của ngành Nông nghiệp huyện, nhiều cách làm hay, sáng tạo được người dân trên địa bàn triển khai có hiệu quả, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn, nước uống cho gia súc trong mùa nắng hạn. Ông Thạch Ngọc Dễ, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, chia sẻ: Lường trước những khó khăn, tôi tranh thủ mua rơm dự trữ, dành hơn 1,2 sào để trồng cỏ voi; đồng thời, mua thêm cám, bột bắp hòa lỏng cho gia súc uống bổ sung chất dinh dưỡng. Do chủ động nguồn thức ăn, nên 12 con bò của gia đình phát triển tốt và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn. Ngoài ra, nhiều nông hộ còn lựa chọn giải pháp trồng bắp xoay vòng, khoảng 1 tháng thu hoạch thân và lá làm thức ăn xanh cho vật nuôi. Cách làm này đang được người dân áp dụng đại trà, với diện tích gần 16 ha, tập trung chủ yếu ở các xã có tổng đàn gia súc lớn như Phước Nam, Phước Ninh, Phước Hà…
Tại huyện miền núi Bác Ái, để tránh thiệt hại cho hộ chăn nuôi, huyện khuyến cáo bà con có kế hoạch duy trì tổng đàn phù hợp, chủ động sẵn nguồn thức ăn, nước uống. Xã Phước Trung nơi có số lượng đàn gia súc lớn nhất huyện, với 19.437 con, bà con tận những cánh đồng vừa mới thu hoạch làm nơi chăn thả. Anh Thái Văn Bổn, chủ trang trại có trên 100 con cừu, ở thôn Đồng Dày, cho hay: Do không có mưa nên cỏ mọc ít, vùng chăn thả trước đây cũng bị thu hẹp, tôi đầu tư kinh phí đào ao, tích nước trồng cỏ và cho cừu uống. Đồng chí Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết: Hiện nay, thức ăn và nước uống cho gia súc tại địa phương đang dần cạn kiệt, trước mắt, xã vận động hộ nuôi tập trung di chuyển đàn về khu vực Nhơn Sơn (Ninh Sơn), hồ Thành Sơn (Ninh Hải). Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức các đợt kiểm tra, khảo sát thực tế ở một số khu vực có nguồn nước, đề xuất UBND huyện hỗ trợ kinh phí đào ao, phục vụ nước uống cho đàn gia súc trên địa bàn.
Không chỉ ở huyện Thuận Nam, Bác Ái, mà còn có rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh bằng sự nỗ lực vượt khó, với nhiều cách làm hiệu quả, nên đàn gia súc tiếp tục phát triển. Thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, một số địa phương triển khai linh hoạt các mô hình chăn nuôi phù hợp trong mùa hạn như: “Ủ chua thức ăn” từ các phụ phẩm nông nghiệp để nuôi bò ở huyện Ninh Sơn; Sử dụng thức ăn vi sinh, gắn với quy hoạch trồng cỏ ở huyện Thuận Bắc, Ninh Phước. Thực hiện đầy đủ công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi.
Hồng Lâm