Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông - xuân 2019-2020 toàn tỉnh gieo trồng hơn 19.917 ha; trong đó, lúa hơn 10.647,56 ha, màu 9.118,20 ha, thủy sản 85,78 ha. So với vụ cùng kỳ năm ngoái, diện tích lúa giảm 7.500 ha do thiếu nước tưới phải ngưng sản xuất. Từ số liệu thống kê cho thấy, các địa phương đã triển khai tốt công tác chuyển đổi cây trồng cạn theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vượt kế hoạch đề ra. Trong tổng diện tích chuyển đổi 628,2 ha (Thuận Nam 45 ha, Ninh Phước 20,5 ha, Thuận Bắc 23 ha, Ninh Sơn 430,7 ha, Bác Ái 109 ha) có 519,2 ha chuyển đổi trên đất lúa. Tại một số khu tưới do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý cũng ngưng sản xuất lúa chuyển qua cây trồng cạn với tổng diện tích 138,6 ha. Cụ thể, tại vùng tưới thuộc Trạm bơm Đá Trắng 4,5ha; Trạm bơm Lợi Hải 16 ha; hồ Sông Trâu 81,4 ha; hồ Ba Chi 1,2 ha, hồ Bà Râu 0,5 ha; Trạm bơn Động Thông 2 ha, Trạm bơm Xóm Bằng 13 ha, hồ Bầu Zôn 20 ha).
Nông dân thôn Tam Lang, xã Phước Nam (Thuận Nam) áp dụng hệ thống bơm tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Ảnh: Sơn Ngọc
Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Công tác chuyển đổi cây trồng vụ này được các địa phương thực hiện quyết liệt, có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm. Đạt được kết quả, đó là nhờ ngay từ đầu vụ các huyện chủ động phối hợp rà soát lại quy hoạch, bố trí sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy nhanh việc chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp, vùng gò đồi, vùng cuối kênh sang cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi sử dụng ít nước. Các vùng cây trồng cạn áp dụng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng, như: Mô hình tưới tiết kiệm; mô hình xen canh, luân canh canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tình hình nước tưới ở các khu vực chuyển đổi cây trồng cạn cơ bản đáp ứng đủ cho sản xuất, nhưng nếu trời vẫn tiếp tục không có mưa, dự báo đến khoảng cuối tháng 3 một số nơi sẽ thiếu nước. Giải pháp đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả ngành chức năng đề ra là: Xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng tuyến kênh, nạo vét kênh mương thông suốt nước toàn tuyến; đồng thời, bố trí các máy bơm để bơm nước lên những vùng chuyển đổi nằm xa các tuyến kênh. Đối với giải pháp công trình, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công hoàn thành các tuyến kênh nhánh cấp 1 của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để dẫn nước về bổ sung cho hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Thành Sơn.
Tín hiệu đáng mừng trong thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng ở vụ đông - xuân 2019- 2020 là có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, ngành chức năng trong tạo điều kiện cho nông dân triển khai các mô hình mới. Với phương châm “đồng hành cùng nhà nông”, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam đã tổ chức liên kết với nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp cung cấp giống bắp, đậu xanh có khả năng chống chịu nắng hạn, năng suất và chất lượng sản phẩm cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ một số giống cây trồng phục vụ sản xuất trong điều kiện nắng hạn. Cụ thể, hỗ trợ giống cỏ VA06 để trồng 500 ha cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô; 30 tấn giống đậu xanh cao sản chịu hạn (ĐX 208, HL 89-E3, HL28); 50 tấn giống bắp lai, bắp nếp chịu hạn (VN8960, Bioseed 96-98, MX10); giống mì chịu hạn với diện tích 20 ha. Trước tình hình hạn, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã khẳng định được vai trò của mình trong công tác chuyển giao các mô hình mới, góp phần tích cực vào hoạt động sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Vụ đông - xuân 2019-2020, cán bộ khuyến nông vào cuộc giúp dân với tinh thần trách nhiệm cao. Đơn vị cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện đến từng thôn, xã, tuyên truyền nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn.
Nỗ lực của các ngành, các cấp trong thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn, tin tưởng sản xuất vụ đông - xuân 2019-2020 sẽ thu được nhiều kết quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, đảm bảo ổn định cuộc sống.
Anh Tùng