Đây chính là năm - Anh rời đi, tình trạng khủng bố và cuộc khủng hoảng nhập cư đều suy yếu – mà Liên minh châu Âu đã đặt hy vọng để khắc phục và hồi sinh mục tiêu về các đường biên giới nội bộ mở cửa.
Thế nhưng số ca nhiễm và tử vong do virus Corona hàng ngày đã tăng chóng mặt tại những quốc gia châu Âu mới như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Croatia, Pháp, Thụy Sĩ và mới đây nhất là Đức. Nhiều trường hợp mắc bệnh cho thấy có liên quan đến ổ dịch lớn nhất châu Âu là Italy, nơi hiện có trên 300 nhiễm virus.
Các sinh viên Nhật Bản tham quan lâu đài Sforza ở Milan, Italy ngày 26/2. Ảnh: NYTIMES
Báo New York Times đưa tin trước tình hình số ca nhiễm lan rộng và tăng nhanh, lời kêu gọi đóng cửa biên giới trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Đa số xuất phát từ những người theo chủ nghĩa dân túy và cực hữu, chưa từng ủng hộ chính sách đường biên giới mở cửa, cho phép người dân trong khối tự do đi lại giữa các nước thành viên.
Cho đến nay, chưa có quốc gia nào thực hiện bước đi quyết liệt đó, nhưng giới chức châu Âu cảnh báo rằng điều này có thể thay đổi nhanh chóng. Hôm 26/2, quan chức hàng đầu phụ trách dịch bệnh của EU cho biết châu Âu cần chuẩn bị sâu rộng hơn để đối phó tình hình dịch bệnh như cuộc khủng hoảng đã tấn công miền Bắc Italy.
Bà Andrea Ammon, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh châu Âu cho biết: "Đánh giá hiện tại của chúng tôi là chúng ta có thể sẽ chứng kiện tình trạng tương tự ở các quốc gia châu Âu khác và thực trạng có thể khác nhau giữa các quốc gia. Chúng ta cần xem xét chuẩn bị cho những kịch bản khác – ví dụ, thêm nhiều ổ dịch lớn tại châu Âu”. Trong lúc thúc giục các thành viên EU hợp tác hơn nữa, bà cũng gợi ý đến biện pháp đóng cửa biên giới.
Tuy vậy, một số chuyên gia y tế lại lập luận rằng biện pháp đóng cửa biên giới có thể không mang lại hiệu quả. “Cấm đi lại không hề hiệu quả. Người dân sẽ tìm cách lách luật. Việc này có thể chỉ làm chậm tốc độ lây lan virus”, Tiến sĩ Clare Wenham tại Tổ chức Sáng kiến Sức khỏe thuộc Trường Kinh tế London (Anh) nhận định.
Chính sách tự do di chuyển người và hàng hóa là một nền tảng của Liên minh châu Âu - được gọi tắt là "Schengen” theo tên thị trấn nhỏ ở Luxembourg nơi ký kết hiệp ước năm 1985 - đã tạo ra một khu vực không cần sử dụng hộ chiếu gồm 26 quốc gia hiện nay.
Người châu Âu coi đó là một trong những thành tựu lớn nhất của khối này. Tuy nhiên, nếu hiệp ước Schengen đã nuôi dưỡng sự thịnh vượng và trở thành bản sắc của châu Ấu thì thực tế, nó cũng là tập hợp của vô số điều tồi tệ vụn vặt. Sự kiện cuối cùng xảy ra năm 2015, thời điểm một số quốc gia hoãn thực hiện hiệp ước Schengen để kiểm soàn toàn diện biên giới và ngăn chặn người di cư từ Hy Lạp hay bất cứ đâu tìm đường đến vùng Bắc Âu giàu có.
Có các quy tắc cho phép một quốc gia tạm thời áp dụng lại kiểm soát biên giới vì những lý do cụ thể, bao gồm tấn công khủng bố, di cư quy mô lớn hoặc các tình huống khẩn cấp về sức khỏe. Theo luật hiện hành, một quốc gia có thể dừng thực hiện chính sách mở cửa biên giới khi đưa ra lý do làm như vậy. Tuy nhiên, quốc gia này không thể kiểm soát biên giới lâu hơn hai năm.
Trong một động thái mà giới chuyên gia cho là lạm dụng quy tắc, Đức, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo và Na Uy đã loại bỏ Schengen và kiểm tra hộ chiếu của khách du lịch đến từ các quốc gia thành viên khác trong hơn 4 năm qua bằng cách vận dụng các biện pháp pháp lý để phá vỡ giới hạn hai năm.
"Schengen đang ở trong tình trạng yếu kém và mơ hồ", bà Marie De Somer, người đứng đầu chương trình di cư tại Trung tâm chính sách châu Âu ở Brussels nhận xét.
Virus Corona đã trở thành một thách thức khác, góp phần “tiếp đạn” cho những người theo chủ nghĩa dân tộc muốn thắt chặt hoạt động biên giới hoặc khôi phục lại kiểm soát ngay cả trước khi bệnh truyền nhiễm đến.
Ông Eric Ciotti, một nghị sĩ Pháp tại khu vực giáp biên giới với Italy và là thành viên của đảng Cộng hòa cánh hữu, đã kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới trước khi quá muộn. Bà Marine Le Pen, nhà lãnh đạo phong trào cực hữu Pháp cũng kêu gọi đóng cửa biên giới với Italy - ổ dịch lớn nhất châu Âu hiện nay.
Và tại Thụy Sĩ – nước không phải thành viên EU nhưng có tham gia vào khu vực biên giới tự do, ông Lorenzo Quadri của đảng Lega dei Ticinesi cánh hữu đã lên tiếng về một chính sách “đóng cửa”.
Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, nhiều nhà chủ nghĩa dân tộc, đứng đầu là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, đã than phiền rằng châu Âu sẽ không có đường biên giới nội bộ mở nếu như biên giới bên ngoài bị yếu, cho phép người tị nạn tràn vào không kiểm soát.
Ủy ban Châu Âu đã cố gắng đưa ra kế hoạch để khắc phục hệ thống tị nạn của châu Âu, bao gồm củng cố Frontex, cơ quan biên giới EU, bằng cách thêm nhân viên và quỹ, cũng như đẩy mạnh hoạt động của cơ quan này tại biên giới bên ngoài của khối.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang đối mặt với sự kháng cự vì nó cũng nhằm tạo ra một hệ thống phân phối người xin tị nạn – điều mà Hungary chắc chắn sẽ phủ quyết. Sự phân chia về chính sách này rất đa dạng. Đức muốn tất cả các nước nhận người ti nạn dù có thích hay không. Hy Lạp muốn người tị nạn nhanh chóng được đưa ra khỏi các trung tâm ở nước này. Italy không muốn thuyền cứu hộ tiếp tục đưa người di cư đến các bến cảng. Danh sách khiếu nại trên vẫn còn kéo dài.
Theo TTXVN/Báo Tin tức