Các nền kinh tế chủ động ứng phó thiệt hại do COVID-19

Cho đến nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy vẫn còn quá sớm để đưa ra các đánh giá về tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu, song triển vọng mờ mịt của kinh tế thế giới thì đã rõ ràng. Trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế của các quốc gia, chính phủ nhiều nước đã phải hành động để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với các thách thức mới.

Kinh tế suy giảm khó lường

Trước sự lan rộng và diễn biến phức tạp của dịch do COVID-19 gây ra, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định sự việc này khiến kinh tế thế giới có thể suy giảm khó lường. Phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ngày 16-2, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm ở mức từ 0,1 - 0,2% do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tác động toàn diện của dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu còn phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh này và vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá hết do hiện mới chỉ thấy được tác động đối với hai lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải. Trước đó, trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 1 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 3,3%, giảm 0,1% so với mức dự báo trước đó.

Theo các phân tích, dự báo của giới chuyên gia về tác động của dịch COVID-19 với kinh tế thế giới những ngày gần đây, dịch bệnh nguy hiểm này có thể tác động tiêu cực lâu dài đến một số ngành kinh tế và tạo lực cản đáng kể với nhiều nền kinh tế lớn của châu Á. Báo The Economist vừa dẫn nhận định cho rằng, du lịch toàn cầu sẽ mất tới 80 tỷ USD vì vắng khách Trung Quốc. Thiệt hại nặng nhất là các nước ASEAN bởi 20 điểm đến yêu thích hàng đầu của khách Trung Quốc đều ở khu vực này. Khách du lịch Trung Quốc tới ASEAN sẽ giảm khoảng 30-40%, dẫn tới thiệt hại doanh thu khoảng 7 tỷ USD. Riêng ngành du lịch của Trung Quốc sẽ không hồi phục đến quý I-2021, nhất là các tour du lịch nước ngoài.

Dịch COVID-19 cũng đang và sẽ gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng và các ngành sản xuất trên toàn cầu trong bối cảnh nhiều nhà máy, công ty tại Trung Quốc đang bị tê liệt, trong khi Trung Quốc vốn là “công xưởng thế giới” và là quốc gia xuất khẩu số một thế giới về hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp. Các nhà phân tích của Bloomberg cho biết, hàng hóa trung gian của Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng tới 40% chuỗi cung ứng tại châu Á. Mỹ cũng phải nhập khẩu 10% hàng hóa trung gian từ các nhà máy ở Trung Quốc.

Vì vậy, việc chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị gián đoạn bởi dịch COVID-19 đã gây ra hệ lụy với chính nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2019, đã xuất hiện làn sóng các công ty dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại. Hiện tại, xu hướng chuyển khỏi Trung Quốc càng gia tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất lo ngại dịch bệnh tại đây còn kéo dài. Tổ chức xếp hạng Moody’s đã hạ dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ mức 5,7% xuống còn 5,2% trong năm 2020.

Không những ảnh hưởng đến Trung Quốc, dịch COVID-19 còn khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác phải chứng kiến tác động của dịch bệnh như: Các sòng bạc tại Macau (Trung Quốc) phải đóng cửa; các hãng hàng không trên thế giới hủy 25.000 chuyến bay qua lại với Trung Quốc; Tập đoàn hàng không dân dụng Hong Kong Cathay Pacific phải cho 27.000 nhân viên nghỉ việc trong ba tuần; Hãng xe Hyundai tạm đóng cửa tất cả các nhà máy tại Hàn Quốc trong một tuần vì thiếu phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc đưa sang; Từ tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đến hãng xe điện Tesla hay tập đoàn Apple của Mỹ đều bắt đầu phải giảm nhịp độ sản xuất; Ngành khách sạn tại Pháp cũng bắt đầu thấm “đòn” vì dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc khi 80% số phòng đã đặt trước bị hủy hồi tháng 1-2020 và 100% trong tháng 2-2020; các tập đoàn Google, IKEA… lần lượt thông báo “tạm đóng cửa” các chi nhánh tại Trung Quốc đại lục. Ngành du lịch của Nhật Bản cũng ước tính có thể thiệt hại 1,29 tỷ USD trong khoảng thời gian quý I-2020, do lượng du khách Trung Quốc sụt giảm.

Trong bối cảnh tăng trưởng của các nền kinh tế yếu đi, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cũng đã “lây lan” tới thị trường dầu mỏ. Theo đó, những ngày gần đây, giá dầu thế giới giảm do nhu cầu sử dụng “vàng đen” yếu đi. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, dịch Covid-19 có thể sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ trong quý I-2020 giảm khoảng 435.000 thùng/ngày so cùng kỳ năm ngoái…

Chủ động giảm thiểu tác hại do COVID-19 gây ra

Trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, chính phủ nhiều nước đã hành động để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với các thách thức do dịch bệnh gây ra.

Tại Trung Quốc, ngày 17-2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm 100 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 14,33 tỷ USD) vào hệ thống tài chính trong nước. Cụ thể, PboC đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại (repo) đảo ngược kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,4%. Trong khi đó, tổng cộng 1.000 Nhân dân tệ giá trị các hợp đồng repo đảo ngược đã đáo hạn vào ngày 17-2, dẫn đến việc rút ròng 900 tỷ Nhân dân tệ ra khỏi thị trường. Thông báo trên website chính thực, PboC lý giải động thái này nhằm duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ở mức đủ hợp lý. Repo đảo ngược là một quá trình trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu với một thỏa thuận bán lại trong tương lai. Bên cạnh đó, PBoC cũng đã bơm 200 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 28,6 tỷ USD) vào thị trường thông qua cơ sở cho vay trung hạn (MLF), một công cụ được áp dụng vào năm 2014 cho phép các ngân hàng chính sách và thương mại vay từ ngân hàng trung ương và sử dụng chứng khoán làm tài sản thế chấp. Trước đó, hồi đầu tháng 2-2020, PBoC cũng đã bơm 1.200 tỷ NDT (174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để giải cứu nền kinh tế khi phải đối mặt với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra. Thêm vào đó, thuế nhập khẩu những hàng hoá có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến với dịch Covid-19 cũng được cắt giảm.

Còn tại Nhật Bản, với hơn 400 người bị nhiễm COVID-19, 1 người tử vong, Nhật Bản là quốc gia được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19, bên ngoài Trung Quốc đại lục. Đến nay, Thủ tướng Abe yêu cầu các bộ trưởng đề ra các biện pháp sử dụng khoản dự trữ trong ngân sách nhà nước và triển khai các biện pháp này càng sớm càng tốt. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cam kết sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết tác động này đối với nền kinh tế. Hiện dịch bệnh được giới chức Nhật Bản xác định đang ở giai đoạn đầu bùng phát trong nước. Vì vậy, nhiều sự kiện lớn đã buộc phải hủy bỏ như một biện pháp phòng ngừa. Ngày 17-2, Ban tổ chức giải chạy marathon Tokyo cũng đã thông báo đình chỉ sự kiện vốn dự kiến diễn ra vào ngày 1-3 tới. Đây là giải đua marathon thường niên lớn nhất ở Nhật Bản. Đã có khoảng 38.000 người đã đăng ký tham gia sự kiện này năm nay.

Tại Singapore, chính phủ nước này đã chủ động hạ dự đoán tăng trưởng cho năm 2020 giữa “bão” COVID-19. Theo Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 0,5% trong năm nay. Singapore đồng thời hạ dự đoán tăng trưởng GDP vào khoảng -0,5% và 1,5%, so với kỳ vọng 0,5-2,5% trước đó. Dự tính, chính phủ Singapore sẽ nhanh chóng áp dụng ác biện pháp giới hạn tác động của dịch bệnh vào ngày 18-2. Trung Quốc ngày 16-2 cũng đề ra kế hoạch giảm thuế và chi tiêu theo giai đoạn nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp trong thời khó khăn.

Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc cũng vừa công bố sẽ hỗ trợ 250 tỷ won (211,3 triệu USD) cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong những ngành nghề gặp thiệt hại về kinh doanh do tiêu dùng giảm, như du lịch, biểu diễn; hoặc chịu thiệt hại do các đối tác chính chậm cung ứng; hoặc gặp trở ngại trong xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa với Trung Quốc.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết, chính phủ nước này sẽ công bố gói kích cầu kinh tế nhằm đối phó với những tác động do COVID-19 gây ra trong thời gian tới. Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ Malaysia cần phải chi từ 10 đến 15 tỷ ringgit (2,5 đến 3,8 tỷ USD) nhằm ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế do ảnh hưởng xấu từ sự bùng nổ dịch bệnh, nhất là ngành du lịch của nước này. Thời điểm công bố gói kích cầu sẽ đưa ra vào cuối tháng 2, đầu tháng3...

Theo TTXVN