Phòng chống ma túy qua điều trị thay thế nghiện các chất thuốc phiện bằng Methadone

Thực hiện Kế hoạch số 07/KH-BCĐ ngày 13-3-2019 của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh về công tác phòng chống ma túy, Sở Y tế đã triển khai thực hiện một số dự án thuốc chương trình mục tiêu phòng chống tội phạm và ma túy năm 2019.

Đặc biệt đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp thực hiện tốt công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng methadone, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm về ma túy của tỉnh nhà đạt kết quả quan trọng.

Theo đồng chí Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế, thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân nghiện, từ năm 2015 cơ sở điều trị tuyến tỉnh được thành lập, hoạt động tại Tp Phan Rang-Tháp Chàm, năm 2018 thành lập thêm 2 cơ sở cấp phát thuốc methadone tại Trung tâm Y tế các huyện Ninh Sơn và Thuận Nam. Cơ sở điều trị methadone tuyến tỉnh được lồng ghép vào cơ sở 2 thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và được đầu tư cơ sở, trang thiết bị, nhân lực đầy đủ theo hướng dẫn tại Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tại 2 cơ sở cấp phát thuốc methadone huyện Ninh Sơn và huyện Thuận Nam, được lồng ghép và sử dụng cơ sở sẵn có của Trung tâm Y tế huyện và được cấp thêm bơm định liều methadone, tủ lạnh bảo quản thuốc.

Về đầu tư nhân lực, toàn ngành có 40 cán bộ làm công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện trong cơ sở điều trị methadone và cơ sở cấp phát thuốc methadone được tập huấn, cấp giấy chứng nhận. Tại tuyến tỉnh có 9 viên chức (2 bác sĩ, 1 cử nhân sinh học, 3 y sĩ và 2 điều dưỡng, 1 dược sĩ), ngoài ra còn tăng cường bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học của các khoa, phòng khác tham gia trực cơ sở methadone trong các ngày lễ, Tết, thứ bảy và chủ nhật để đảm bảo duy trì liều lượng thường xuyên cho bệnh nhân. Mỗi cơ sở cấp thuốc methadone ở 2 huyện có bác sĩ, dược sĩ thường trực cho bệnh nhân uống thuốc theo quy định. Toàn bộ thuốc methadone được cấp miễn phí từ Trung ương.

Năm qua, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho 160 cán bộ y tế đang công tác tại 59 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 7 trung tâm y tế huyện, thành phố; 3 đơn vị tuyến tỉnh và 1 cơ sở cai nghiện về điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tỉnh đến tuyến huyện đủ điều kiện, được chỉ đạo sẵn sàng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân khi vượt quá khả năng của cơ sở điều trị. Qua đó, tính đến cuối tháng 11-2019, có 90 người tham gia điều trị tại Cơ sở 2 điều trị methadone tuyến tỉnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tăng 26,76% so cùng kỳ năm 2018, trong đó có 57 bệnh nhân tại 4 huyện, thành phố đang tiếp tục điều trị thường xuyên, có sức khỏe ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhờ dự án thuốc chương trình mục tiêu phòng chống tội phạm và ma túy, tỉnh ta đã có 2 bệnh nhân điều trị thành công, không còn điều trị methadone và không tái sử dụng ma túy, sức khỏe ổn định. Đó là trường hợp 1 bệnh nhân ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), sử dụng ma túy thường xuyên từ năm 2014 đến năm 2016, ngày 2-8-2016, đăng ký điều trị methadone. Trong quá trình điều trị không tái sử dụng ma túy, xét nghiệm ma túy trong nước tiểu 8 lần kết quả âm tính, đến ngày 1-6-2019 bệnh nhân kết thúc điều trị. Trường hợp khác là 1 bệnh nhân ở khu phố 2, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), từ năm 2015, sử dụng ma túy thường xuyên, đăng ký điều trị methadone ngày 23-11-2016; xét nghiệm ma túy 9 lần kết quả âm tính, bệnh nhân kết thúc điều trị vào ngày 7-7-2019. Điểm đáng nói là số bệnh nhân tham gia điều trị năm 2019 tăng nhiều hơn, thể hiện sự tuân thủ điều trị cải thiện hơn, tỷ lệ bỏ liều (> 5 ngày) cũng giảm theo thời gian. Qua đó góp phần làm giảm tệ dùng ma túy bất hợp pháp, giảm tần suất tiêm chích, giảm hành vi nguy cơ nhiễm HIV; không chỉ giúp cho nhiều bệnh nhân nghiện ma túy làm lại cuộc đời, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn tác động trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, do tỷ lệ bệnh nhân nghiện tham gia điều trị chỉ mới đạt 64, 28% (90/140), số còn lại khó tiếp cận để vận động, đưa đến cơ sở điều trị; mặt khác vẫn còn trường hợp bỏ trị hoặc điều trị không thường xuyên nên Sở Y tế đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để khắc phục hạn chế này. Theo đó, năm 2020 tiếp tục chỉ đạo các đơn vị của ngành triển khai, tuân thủ các quy định cũng như các quy trình về xác định tình trạng nghiện và tổ chức điều trị methadone; đẩy mạnh chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Đặc biệt phối hợp các ngành, các cấp tuyên truyền, vận động người nghiện đến các cơ sở điều trị nghiện bằng methadone của ngành Y tế, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả 2 cơ sở uống methadone tại Trung tâm Y tế các huyện Ninh Sơn và Thuận Nam.