Cứ vào khoảng 23 tháng Chạp là chợ quê lại bắt đầu rộn ràng, tấp nập người mua bán. Và đông đúc nhất là vào những ngày 28 đến 30 Tết âm lịch. Có thể ngày thường chỉ vài chục người, nhưng đến gần tết chợ lại gấp 2, gấp 3 lần. Mặc dù những năm gần đây, mọi người có xu hướng mua hàng online, trên các trang mạng xã hội đăng quảng cáo đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà, thế nhưng không vì vậy mà chợ quê trở nên kém nhộn nhịp, bởi lẽ đi chợ quê, mọi người sẽ cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của mùa xuân đang đến gần. “Trên mạng cái gì cũng có nhưng đối với tôi, ra chợ mua sắm vật dụng, thực phẩm, mâm ngũ quả cho ngày tết đã thành thói quen. Những người bán ở chợ đều là bà con cùng thôn xóm, ai ai cũng biết nhau nên buôn bán thật tình, chân chất” chị Hoàng Thị Lệ, đang lựa chọn đồ gia dụng cho gia đình tại chợ Lương Cang, chia sẻ.
Người dân mua sắm mặt hàng tết tại chợ quê.
Ngày nay, khi đường giao thông nông thôn thuận lợi và hầu hết mỗi thôn trong các xã đều có chợ trung tâm được xây dựng kiên cố, nhờ vậy mà việc mua bán diễn ra ở chợ quê trở nên đơn giản hơn. Mọi người không còn những buổi thức dậy sớm khi gà chưa gáy để dọn hàng ra chợ sớm, những sản phẩm nông dân làm ra đến với người mua được tươi mới. Khi đi chợ quê, không chỉ là nơi mua sắm trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi gặp gỡ, hỏi thăm của bà con láng giềng, giúp cho tình làng nghĩa xóm được xích lại gần nhau hơn. Chính vì vậy mà đối với chị Nguyễn Thị Loan, thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), gia đình chị mỗi năm đều trồng bông cúc vàng bán tết, dù thương lái đến tận nhà thu mua, nhưng năm nào chị cũng dành một ít bông trong vườn đem ra chợ bán. Bởi đối với chị Loan cũng như nhiều người trồng hoa ở vùng nông thôn, cứ độ giáp tết, mọi người lại tranh thủ những lúc rảnh rỗi, nhổ bông ra chợ tìm một chỗ ngồi thuận lợi để thu hút người mua nhằm bán cho đắt hàng, ngoài việc kiếm thêm chút tiền lời mua sắm tết thì dường như đã trở thành thói quen mưu sinh gắn bó bao năm. Chị Loan, chia sẻ: Năm nào tôi cũng ra chợ bán bông tết thành quen, không đi không được, từ khoảng 23 Âm lịch mọi người đưa ông công, ông táo về trời là tôi lại nhổ bông ra chợ bán, nhà cách chợ cũng không xa, đường đi lại thuận lợi nên một lần nhổ cứ khoảng hơn trăm cây bông, bán hết lại về nhổ tiếp nên bông tươi mọi người mua rất mau. Mỗi dịp đi bán, được gặp bà con lối xóm, hỏi thăm nhau chuyện cuối năm cũng là một niềm vui đặc biệt nên mọi người đi bán chẳng thấy mệt nhọc mà còn vui vẻ. Đến với chợ quê, sẽ không hiếm gặp người như chị Loan, kế bên chị sẽ là những cô bán củ cải, củ kiệu hay lá chuối, con gà, vịt, mớ trầu cau... những sản phẩm rất bình dị, gần gũi và không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về. Bởi nét đặc trưng của chợ quê là tự cung, tự cấp, với cái tên mọi người vẫn hay thường gọi là “cây nhà lá vườn”, được nông dân “chân lấm tay bùn” tự vun sới chăm sóc, vì vậy mà sản phẩm ở chợ quê bán có giá “mềm” hơn rất nhiều so với thành thị. Chỉ cần cầm đôi ba trăm ngàn đi chợ, với giá bán phải chăng, hợp lý là mọi người đã có thể mang một cái tết ấm áp về nhà.
Khi cái nắng vàng rực rỡ xua tan đi chút se lạnh của buổi sáng sớm, thì buổi chợ quê lại bắt đầu với tiếng cười nói rôm rả của người mua- bán. Hòa trong dòng người đông đúc là các em nhỏ theo mẹ đi chợ, thích thú ngắm nhìn những bộ đồ mới được mẹ sắm cho ngày tết. Hay những chuyến xe hàng lưu động chở các mặt hàng thiết yếu hằng ngày của các doanh nghiệp đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, trong sự vui mừng, mua sắm đón tết của người dân. Rồi những mùi cay nồng đặc trưng khi đến gần cô bán củ kiệu, củ cải được mọi người chen nhau lựa chọn những củ ưng ý nhất hay hương thơm mùi lúa non với vị gừng của bánh cốm, ngọt nhẹ nhàng của vị bánh thuẩn nóng hổi đang được người bán đổ bánh ngay tại chợ. Và một hình ảnh không thể không bắt gặp khi đến với buổi chợ quê là những lời chào mời khách thân thương cùng phiên trả giá đối với các mặt hàng. Người bán giới thiệu sản phẩm, người mua có thể ưng ý món hàng, nhưng vẫn cầm lên đặt xuống, rồi do dự mặc cả để mua được giá cả phù hợp với túi tiền. Có thể nói, mặc cả dường như đã trở thành một nét riêng không thể thiếu mỗi khi đi chợ của mọi người. Dù người mua không mua được hàng hay người bán không bán được thì không khí mua bán ở chợ vẫn diễn ra rất vui vẻ, ai cũng tươi cười hồ hởi. Bởi ở chợ quê, mọi người đều là hàng xóm thân thuộc, thuận mua vừa bán, không thì lần sau quay lại. Đây đã tạo nên một nét đặc trưng riêng chỉ có ở những buổi chợ quê, mà nếu chúng ta vào các trung tâm thương mại hay siêu thị đều không thấy được vì đã có giá niêm yết. Vì nét đặc trưng này mà chợ quê luôn có chỗ đứng trong lòng mọi người, bởi sự mộc mạc, chân tình và khi ra chợ sẽ giúp mọi người cảm nhận được sự giao hòa của đất trời, vạn vật khi mùa xuân đang gõ cửa từng nhà.
Có thể thấy, dù cuộc sống thêm hiện đại, thì những buổi chợ quê như những thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong trong tâm hồn mỗi người. Để dù ai đi xa quê hương, vào cuối năm có dịp trở về đều mong muốn một lần ghé đến chợ quê để cảm nhận sắc xuân đang về và sự đổi thay từng ngày nơi mình sinh sống.
Kim Thùy