Trải qua bao thăng trầm, cũng có bao lần lâm vào cảnh “hoa cười, người khóc” nhưng người dân Mỹ Bình miệt mài với những vụ hoa bằng tất cả tình yêu và đam mê. Trồng hoa được ví như nghề “chăm con mọn” bởi để có những mùa hoa như ý, người dân phải bỏ nhiều công sức, chăm chút từ khâu xuống cây đến bón phân, phòng trừ sâu bệnh, ra nước, tỉa nụ…. Thậm chí vào mùa gió bấc, để “đánh thức” hoa, người dân còn lắp hệ thống điện chiếu sáng để “sưởi ấm” giúp hoa kịp nở đúng dịp tết. Ngoài vạn thọ, cúc đại đóa, cúc pha lê…thì cúc vàng (4 số) được người dân trồng nhiều nhất.
Nông dân phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chăm sóc hoa cúc tết.
Ưu thế của cúc vàng là có thể trồng quanh năm, mỗi vụ từ 2,5 đến 3 tháng. Giá bông mua tại vườn tiêu thụ trong tỉnh trung bình 4.000 đồng/cây, còn giá đi các tỉnh ngoài là 6.000 đồng/cây, trong dịp tết có thể lên đến 10.000-15.000 đồng/cây. Trừ các chi phí, giống cây, phân bón, công chăm sóc, trung bình mỗi sào hoa bà con lãi khoảng 7-15 triệu đồng/vụ. Thời tiết năm nay khá thuận lợi, cây được chăm bón kỹ nên phát triển tốt. Xa xa những luống hoa thẳng tắp, chỗ đang nảy mầm, nơi hé nụ còn ướt sương đêm, hứa hẹn cái tết sung túc, đủ đầy từ hoa.
Đi giữa đồng hoa tết rộng gần 4 sào vừa hé nụ, anh Ngô Phước, khu phố 2 cho biết: Cúc vàng 4 số tuy có phần kém cạnh so với các loại hoa khác nhưng cũng có những lợi thế riêng: thân ngắn nên khi cắm giữ cả chùm rễ giúp hoa tươi lâu, phù hợp các bình hoa cỡ nhỏ trên những bàn thờ ông địa, thần tài, ông táo,… Giống hoa lại “ưa” với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất cát Mỹ Bình nên cánh hoa dày, bông săn, màu vàng tươi tắn mà giá cả lại khá bình dân nên vẫn có “chỗ đứng” giữa muôn loại cúc đại đóa vàng, cúc chi vàng, cúc chi trắng, cúc họa mi, cúc tím hoa cà... Với lợi thế đó, cúc vàng Mỹ Bình được khách hàng nhiều tỉnh bạn ưa chuộng, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Huế…
Làng hoa Mỹ Bình khoe sắc hương Xuân Canh Tý- 2020. Ảnh: Văn Nỷ
Tìm hiểu về làng hoa truyền thống Mỹ Bình, chúng tôi được biết cây hoa cúc vàng bén rễ trên vùng đất cát ven biển từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đây được xem là một trong những loại cây trồng chủ lực, giúp nhiều người dân từ khó khăn vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống. Thời điểm phong trào trồng hoa cúc rầm rộ nhất vào các năm 2007- 2009, toàn phường có hơn 100 hộ trồng với tổng diện tích gần 60 ha. Trong quá trình đô thị hóa diện tích cây hoa cúc của địa phương bị thu hẹp đáng kể. Hiện nay, toàn phường chỉ còn khoảng 30 hộ bám trụ với nghề trồng hoa, với diện tích gần 5ha. Chị Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Bình chia sẻ: Dù diện tích trồng hoa ở địa phương đang thu hẹp dần để dành đất phát triển các khu đô thị mới nhưng người dân nơi đây vẫn cần mẫn bám trụ nghề trồng hoa. Hiện nay, ở những nơi còn đất để canh tác, người dân vẫn tiếp tục trồng và tỉ mỉ chăm sóc cho các lứa hoa phát triển, nhất là để phục vụ thị trường tết. Để lưu giữ nghề trồng hoa truyền thống, không ít hộ dân đã mang giống cúc Mỹ Bình thâm canh ở một số địa phương khác trong tỉnh như phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); xã An Hải (Ninh Phước)…Nhờ kinh nghiệm bám nghề lâu năm, nên hoa vẫn đạt chất lượng tốt, nụ hoa to, đẹp tràn đầy sức sống.
Xuân về, làng hoa Mỹ Bình khoe sắc giữa lòng phố biển, góp phần tô điểm cho ngày xuân thêm tươi thắm, mang ước nguyện may mắn đến với mỗi gia đình.
Mỹ Dung