Các hoạt động TDTT của tỉnh không ngừng lớn mạnh, phát triển đa dạng cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và vị thế của TT tỉnh nhà.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác TDTT, đặc biệt đối với thế hệ trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, tỉnh đặc biệt quan tâm tới công tác phát triển sự nghiệp TDTT, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp dân cường, nước thịnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một mặt tỉnh ban hành các văn bản quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT Ninh Thuận theo từng giai đoạn cụ thể, như Đề án “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Chương trình đầu tư trọng điểm các môn TT thành tích cao (TTC) tỉnh đến năm 2020”; quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài; mặt khác, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất TDTT. Tỉnh đã và đang thực hiện tốt thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia như: cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từng bước đưa sự nghiệp TDTT tỉnh có những bước phát triển mới tương đối toàn diện, với nhiều hình thức hoạt động phong phú.
Giải bóng đá phong trào năm 2019 tranh cúp Vietcombank. Ảnh: Văn Nỷ
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, phong trào xã hội hóa TDTT cũng được tỉnh ta đẩy mạnh, phát triển, nhân rộng các mô hình điểm về xã hội hóa, các mô hình câu lạc bộ TDTT. Đến nay, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30,3%, số gia đình TT đạt 16,3%; có 522 câu lạc bộ TDTT bố trí rộng khắp địa bàn tỉnh, 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo… góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi, rèn luyện sức khỏe TDTT cho nhân dân. Trong điều kiện tỉnh kinh tế-xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn thì những con số nêu trên về TDTT tỉnh nhà là hết sức ấn tượng. Đó chính là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, sự tự giác tích cực hưởng ứng của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời thông qua các hoạt động TDTT, các sự kiện TT được tổ chức đã giới thiệu hình ảnh của quê hương Ninh Thuận với bạn bè trong nước và du khách quốc tế.
Song song đó, TT TTC ở tỉnh ta có những bước tiến vượt bậc, tự hào khi vị thế, thứ hạng của TT tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng cao theo từng năm. Từ một địa phương không có thành tích đáng kể so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, nhưng trong thời gian trở lại đây, thể thao TTC đã gặt hái được nhiều thành tích trong nước và khu vực Đông Nam Á. Năm 2019, tham dự 28 giải quốc gia, khu vực mở rộng, giải quốc tế mở rộng đạt 89 huy chương các loại. Trong đó, tại Giải điền kinh vô địch quốc gia được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, VĐV Ka Hoa, Đoàn Ninh Thuận đã xuất sắc dành Huy chương Vàng môn đẩy tạ nữ, phá kỷ lục quốc gia 14m56 do chị lập ra năm 2018 và kỷ lục mới tại giải vô địch quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh là 14m75. Hay, Đội tuyển VĐV Điền kinh tham dự Giải vô địch Điền kinh Trẻ Đông Nam Á lần thứ 14-2019 tại Philippines, đạt 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ. Ngoài ra, ngành duy trì, tập trung đào tạo 15 đội TT ở các môn với 17 HLV và 48 VĐV. Thực hiện phối hợp tổ chức 1 giải quốc tế; 2 giải quốc gia, khu vực; tổ chức thành công 9 giải cấp tỉnh, 5 giải phối hợp liên tịch cấp tỉnh và 20 giải TT phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh… Trên bản đồ TT quốc gia, những VĐV của Ninh Thuận như Ka Hoa, Diệu Khánh, Lê Thị Kim Phượng, Ngô Châu Cường… đã có chỗ đứng vững chắc, đưa thể thao TTC lên tầm cao mới, từng bước cải thiện đáng kể vị trí xếp hạng của TT tỉnh nhà qua các giải đấu.
Ông Trần Thế Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, cho biết: TDTT ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh. Mới đây, HĐND tỉnh khóa X thông qua nghị quyết về mức hỗ trợ chế độ dinh dưỡng cho HLV, VĐV thi đấu sẽ góp phần tạo động lực cho VĐV, HLV thi đấu ngày một tốt hơn, thành tích cao hơn. Đặc biệt, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1816/QĐ-UBND ban hành Đề án Phát triển TT TTC tỉnh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng TT, phát triển TT TTC theo hướng bền vững, xác định một số môn TT có thế mạnh và phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng cao thành tích thi đấu, thu hẹp khoảng cách trình độ TT với các tỉnh trong khu vực và toàn quốc, tham gia ngày càng nhiều các hoạt động TDTT khu vực và toàn quốc. Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2020-2025, tập trung đầu tư 7 môn TT hiện đang đào tạo có thế mạnh của tỉnh gồm: Taekwondo, Vovinam, điền kinh, quần vợt, cầu lông, cờ vua, Karate và khôi phục, bổ sung đào tạo thêm 3 môn: bóng đá (năm 2021), bóng rổ (2022), bóng chuyền (2023). Phấn đấu Đại hội TT toàn quốc lần thứ IX năm 2022 đạt 6 huy chương các loại.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về phát triển TDTT đã xác định: Tập trung phát triển những môn TT mà Ninh Thuận có ưu thế; nâng cao vị thế hợp tác với các tỉnh trong khu vực và trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu cụ thể: Phát triển mạnh phong trào TDTT quần chúng, TT TTC, phát triển TT trường học, phát hiện, đầu tư bồi dưỡng tài năng TT trẻ, đào tạo lực lượng VĐV các môn TT TTC… Để thực hiện được những mục tiêu đó, thời gian tới, các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để TT Ninh Thuận có những bước tiến vững chắc, gặt hái được nhiều thành công hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, quê hương.
Xuân Bính