Giải đấu với quy mô tầm cỡ châu lục này chính là sân chơi chất lượng dành cho các cầu thủ dưới 23 tuổi có cơ hội phô diễn hết tài năng của mình trước những đối thủ sừng sỏ đến từ những nền bóng đá phát triển trên toàn châu Á.
Giải đấu được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức hai năm một lần, trong đó lần đầu khởi tranh năm 2014. Tính đến nay, đây là lần thứ tư giải đấu này được tổ chức. Có 16 đội cùng tham gia tranh tài để chọn ra đội bóng xuất sắc nhất bước lên ngôi vương. Hiện U23 Uzbekistan là đương kim vô địch của giải đấu, sau khi đánh bại U23 Việt Nam tại trận chung kết năm 2018. Trước đó, U23 Iraq và U23 Nhật Bản cũng lần lượt lên ngôi ở hai phiên bản đầu tiên.
HLV Park Hang Seo đang thị phạm cho các cầu thủ trên sân Chang Training Ground 1 tại
thành phố Buriram (Thái Lan), ngày 6/1/2020. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN
Tại VCK U23 châu Á 2020, các trận đấu vòng bảng sẽ diễn ra từ ngày 8/1 đến ngày 16/1. Vòng Tứ kết được tổ chức trong hai ngày 18 và 19/1. Vòng Bán kết diễn ra vào ngày 22/1. Trận tranh hạng Ba diễn ra vào ngày 25/1, trận Chung kết và bế mạc được tổ chức vào ngày 26/1.
Trong thời gian chuẩn bị cho giải đấu, đã có những quan ngại về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Thái Lan, thậm chí họ còn đứng trước nguy cơ bị tước quyền đăng cai, khi các sân vận động không thể đảm bảo điều kiện tốt nhất trước ngày diễn ra khai mạc. Tuy nhiên, AFC vẫn quyết định để Thái Lan tổ chức giải đấu lần này.
Giải đấu được tổ chức trên 4 sân vận động bao gồm: Rajamangala, Chang Arena, Thammasat Stadium và Tinsulanon Stadium. Từ vòng Tứ kết trở đi sẽ thi đấu ở 2 sân chính là Thammasat (Rangsit), Rajamangala (Bangkok).
Sau khi vượt qua vòng loại, 16 đội bóng xuất sắc nhất giành quyền vào chơi ở VCK sẽ được chia vào 4 bảng đấu. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn tính điểm 1 lượt để chọn ra 2 đội nhất nhì mỗi bảng bước vào thi đấu vòng knock-out.
U23 Việt Nam rơi vào bảng D cùng với các đối thủ: U23 Triều Tiên, U23 Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và U23 Jordan. Nếu giành quyền đi tiếp, U23 Việt Nam sẽ gặp đại diện của bảng C theo cách phân nhánh của AFC. Bảng C cũng chính là “bảng tử thần” của giải đấu lần này khi có sự góp mặt của các “ông lớn”: U23 Hàn Quốc, U23 Iran, U23 Uzbekistan và U23 Trung Quốc.
Các đội bóng tham dự: Uzbekistan, Việt Nam, Thái, Bahrain, Australia, Iraq, Saudi Arabia, Nhật Bản, Qatar, Syria, Hàn Quốc, Iran, Trung Quốc, Triều Tiên, Jordan, UAE. Mỗi đội bóng sẽ được đăng ký 23 cầu thủ thi đấu. Các cầu thủ dự giải được giới hạn ở mức 23.
VCK U23 châu Á cũng chính là vòng loại để quyết định 4 chiếc vé giành quyền đến Olympic Tokyo 2020. Vì Nhật Bản là nước chủ nhà đã chắc chắn suất tham dự nên sẽ chỉ còn lại 3 cơ hội cho các đội bóng tại châu Á.
Ba tấm vé còn lại sẽ được xác định xoay quanh kết quả thi đấu của U23 Nhật Bản tại giải đấu này. Trong trường hợp U23 Nhật Bản không giành quyền vào Bán kết, 3 đội bóng có thành tích tốt nhất tại VCK U23 châu Á 2020 (Vô địch, Á quân, Hạng ba) sẽ giành vé. Trong trường hợp U23 Nhật Bản giành quyền vào Bán kết, 3 đội bóng có mặt ở Bán kết (cùng Nhật Bản) sẽ giành vé.
Ở giải đấu lần này, công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài) sẽ được AFC áp dụng cho toàn bộ 32 trận đấu. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng trong một giải đấu tầm cỡ châu Á. Trước đó, VAR đã được thử nghiệm ở Asian Cup 2019, tuy nhiên chỉ bắt đầu được áp dụng từ vòng Tứ kết.
Trong lần thứ 3 góp mặt ở giải U23 châu Á, "Những chiến binh Sao vàng" rất quyết tâm đạt thành tích tốt để sở hữu tấm vé lịch sử tham dự Olympic Tokyo. Bảng D được đánh giá là khá vừa sức đối với U23 Việt Nam. Thầy trò HLV Park Hang-seo hoàn toàn có cơ hội giành được chiếc vé đi tiếp tại bảng đấu này.
U23 Việt Nam sẽ đá trận ra quân vào ngày 10/1. Lịch thi đấu cụ thể như sau:
Lúc 17h15 ngày 10/1: U23 Việt Nam - U23 UAE
Lúc 20h15 ngày 13/1: U23 Jordan - U23 Việt Nam
Lúc 20h15 ngày 16/1: U23 Việt Nam - U23 Triều Tiên.
Theo TTXVN/Báo tin tức