Ông Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh hiện có trên 197.777 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng đặc dụng 41.659 ha, rừng phòng hộ 116.172 ha và rừng sản xuất 39.910ha. Để công tác QL,BVR đạt hiệu quả, Chi cục đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và các địa phương xây dựng phương án QL,BVR theo từng tháng, từng quý; thực hiện tốt quy chế phối hợp về công tác QL,BVR tại những khu vực rừng trọng điểm, rừng giáp ranh giữa các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bình Thuận. Đồng thời, chỉ đạo các Hạt kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương phối hợp với lực lượng công an, quân đội, các tổ cộng đồng triển khai tuần tra, kiểm soát trên diện rộng tại những khu vực rừng trọng điểm, giáp ranh nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm về lĩnh vực rừng. Chỉ riêng năm 2019, đơn vị phối hợp tổ chức 2.286 đợt truy quét, tuần tra, kiểm soát trên diện rộng tại những khu vực rừng trọng điểm, giáp ranh nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm về lĩnh vực rừng với 12.106 lượt người tham gia. Qua công tác tuần tra, truy quét, đã phát hiện ngăn chặn 397 vụ vi phạm các quy định của pháp luật QL,BVR. Xử lý 272 vụ vi phạm, tịch thu 110,79 m2 gỗ các loại; 1.566kg than hầm; 64 xe máy và 21 cưa máy; thu nộp ngân sách 895 triệu đồng.
Nhân viên Trạm quản lý, bảo vệ rừng Tầm Ngân, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) tuần tra khu vực rừng đơn vị quản lý.
Không chỉ tăng cường công tác tuần tra, truy quét, Chi cục còn phối hợp với các đơn vị chủ rừng, UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân. Trong năm 2019, đã tổ chức 97 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR thu hút hơn 7.235 lượt người tham gia; vận động 572 hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về QL,BVR; thực hiện đóng 170 bảng cấm người và phương tiện ra vào rừng trái pháp luật tại các tuyến đường, cửa rừng. Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt việc giao rừng khoán quản cho các tổ công đồng thôn, lực lượng vũ trang nhận bảo vệ rừng nhằm khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Qua đó, người dân đã thay đổi nhận thức, hành động và ngày tích cực càng tham gia bảo vệ rừng nên tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đã giảm hẳn, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng đã giảm đáng kể.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp QLBVR, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành và các chính quyền đị phương, công tác QLBVR đã có chuyển biến tích cực. Trong năm 2019, toàn tỉnh đã phát hiện 397 vụ vi phạm về lĩnh vực rừng, giảm 14,4% vụ so với cùng kỳ năm trước; xử lý 272 vụ vi phạm, giảm 39,1% so với so với cùng kỳ…
Để nâng cao công tác QLBVR đạt hiệu quả, theo ông Dương Đình Sơn, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm là: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 17/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 85/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác QLBVR, phát triển rừng. Tăng cường công tác tuần tra, truy quét, kiểm soát trên diện rộng tại những khu vực rừng trọng điểm, rừng giáp ranh nhằm giảm số vụ vi phạm về lĩnh vực rừng. Đẩy mạnh cơ chế phối hợp trong công tác QLBVR giữ các lực lượng, chính quyền địa phương và các tổ cộng đồng. Phối hợp với các đơn vị chủ rừng và địa phương kiểm tra, giám sát, siết chặt người vào rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR để nâng cao nhận thức cho người dân; xây dựng hiệu quả các mô hình sinh kế, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng nhằm nâng cao công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng.
Tiến Mạnh