Thuận Bắc là huyện miền núi, có gần 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với trên 8.600 ha đất sản xuất nông nghiệp. Mặc dù là địa phương thường xuyên phải chịu tác động của biến đổi khí hậu; tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã khắc phục được những yếu tố bất lợi, đưa kinh tế nông nghiệp từng bước phát triển. Theo đánh giá chung, cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện chiếm số lượng lớn từ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, vì thế giải pháp xây dựng đồng bộ các mô hình sản xuất gắn liền với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng đang được ngành Nông nghiệp huyện hướng đến, nhằm nâng cao giá trị nông sản hàng hóa cũng như tăng giá trị kinh tế cho nông dân địa phương. Để các mô hình phát huy hiệu quả và lan tỏa sâu rộng, huyện còn ban hành và thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ giúp nông hộ có thêm điều kiện đầu tư phát triển mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn kết với thị trường tiêu thụ.
Mô hình trồng măng tây xanh, ngày càng được nông dân huyện Thuận Bắc đầu tư, mở rộng diện tích.
Một trong những yếu tố mang tính quyết định, giúp các mô hình tiếp tục duy trì và phát triển trong thời gian qua, chính là việc huyện quan tâm thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo, chủ trương của ngành Nông nghiệp; đồng thời, trên cơ sở cân đối từ các nguồn lực hỗ trợ, huyện chú trọng công tác quy hoạch, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh, thực hiện hàng chục mô hình khuyến nông có hiệu quả. Thực hiện Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND, ngày 2-2-2015 của UBND tỉnh về việc nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND, ngày 18-8-2017 của UBND tỉnh; đối với lĩnh vực trồng trọt, đến nay đã có 1.248 ha lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, cho năng suất 7,1 tấn/ha, xây dựng thành công 4 mô hình cánh đồng lúa lớn tại xã Công Hải, Bắc Phong, Lợi Hải trên diện tích 289 ha, năng suất đạt 7,5 tấn/ha; thông qua chuyển đổi cây trồng, địa phương hỗ trợ nông dân ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Công Hải khai thác hiệu quả vùng đất canh tác kém hiệu quả chuyển sang trồng mía 27 ha, tre lấy măng 16 ha, đậu các loại 292 ha… đến nay đã khẳng định được giá trị kinh tế và được nông dân đón nhận. Vài năm trở lại đây, ngoài một số cây trồng truyền thống, trên địa bàn huyện còn xuất hiện một số cây trồng mới; trong đó, măng tây xanh ban đầu chỉ có 6 sào trồng thí điểm, đến nay đã tăng lên 13,1 ha, lợi nhuận bình quân đạt 13 triệu đồng/sào/tháng. Đơn cử như hộ ông Mang Sản, thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn) với 1,2 sào đất canh tác kém hiệu quả. Đầu năm 2019, ông chuyển sang trồng măng tây xanh, cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác.
Đối với chăn nuôi, mô hình nuôi bò vỗ béo, dê, cừu sinh sản, heo đen bản địa, gà núi đang có xu hướng phát triển mạnh ở các xã, nhiều nông hộ mạnh dạn đầu tư chuồng trại quy mô, mở rộng diện tích trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ. Đặc biệt, thông qua chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giúp bà con địa phương có điều kiện tiếp cận hình thức chăn nuôi mới, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững. Riêng về nuôi trồng thủy sản, nông dân trong huyện tận dụng mặt nước biển, mô hình nuôi tôm hùm lồng tiếp tục được nhân rộng, với 58/902 lồng, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 200 tấn.
Kết quả đạt được trong việc xây dựng mô hình phù hợp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện, giá trị sản xuất đối với 1 ha đất canh tác đến nay đạt 96,3 triệu đồng/năm, tăng 21,3 triệu đồng so với năm 2015. Chỉ tính riêng trong năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương ước đạt 799 tỷ đồng, đạt 62,4% kế hoạch, tăng 10% so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 23 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,5-4% mỗi năm.
Có thể thấy, hiệu quả mang lại từ các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện trong thời gian qua mang lại tín hiệu đáng ghi nhận, ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, còn tiết kiệm được chi phí đầu tư sản xuất, thu nhập cũng được cải thiện rõ rệt. Trong thời gian tới, huyện Thuận Bắc tiếp tục tuyên truyền đến người dân về Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tập trung khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đặc biệt có sự liên kết giữa “4 nhà”, hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Hồng Lâm