Về thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận (Ninh Phước) trong những ngày giữa tháng Chạp, chúng tôi ghi nhận không khí tấp nập mua bán nhộn nhịp, tiếng cười nói rộn ràng của những người làm nghề trồng nho kiểng. Theo tìm hiểu, trước đây toàn xã có khoảng vài chục hộ gắn bó với nghề trồng nho kiểng, đa số họ đều là nông dân trồng nho lâu năm, tận thu các gốc nho già sau đó ươm, ghép, tạo thế bonsai, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày tết. Hầu hết các hộ sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, chỉ mang tính chất thời vụ. Để nghề nho kiểng phát triển bền vững, lâu dài, có quy mô, tháng 3-2019, địa phương thành lập Hợp tác xã (HTX) Nho kiểng A8 gồm 9 thành viên ở thôn Phước Khánh. Sau 9 tháng thành lập, đây là vụ đầu tiên của các thành viên trong HTX.
Thành viên Hợp tác xã nho kiểng A8 đang khẩn trương nẹp cành nho để chuẩn bị vận chuyển cho khách hàng.
Để phục vụ thị trường nho kiểng tết 2020, ngay từ đầu năm, các thành viên trong HTX đã xuống giống, ươm hơn 1.200 chậu chủ yếu giống nho đỏ truyền thống. Để có được chậu nho kiểng “bắt mắt”, người trồng phải mất từ 1-2 năm ươm cây bén rễ, rồi đem ghép cành, vào chậu. Nhằm “ép” nho ra quả đúng dịp tết, khoảng từ tháng 9-10 Âm lịch, chủ vườn tiến hành cắt cành, tạo dáng nền cho chậu kiểng. Những chậu nho kiểng chăm sóc chu đáo có thể mang trái chín đến hết tháng Giêng Âm lịch. Vừa chăm chút, gia cố lại cành nho cho chắc chắn, anh Võ Thanh, thành viên HTX vui mừng chia sẻ: Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật cùng thời tiết thuận lợi nên năm nay, nho phát triển tốt, ra trái đều, đẹp, ít sâu bệnh. Đến nay, hơn 1.200 chậu nho kiểng được khách hàng một số tỉnh miền Tây và miền Bắc đặt hàng, không đủ cung ứng thị trường tết, giá dao động từ 5 trăm đến 5 triệu đồng/chậu. Sang năm, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, ghép thêm nhiều giống nho tạo sự phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Những chậu nho kiểng cành lá sum suê, xanh biếc tạo nền cho những chùm nho đỏ căng mọng với ước mong mang đến niềm vui, may mắn, tài lộc cho mọi nhà hứa hẹn cái Tết no ấm hơn đối với các thành viên trong HTX Nho kiểng A8.
Ngoài cây nho kiểng, năm nay một số hộ mạnh dạn thử nghiệm trồng nhiều loại hoa mới, cung ứng thị trường tết. Đơn cử như anh Võ Minh Quân, ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) bước đầu thành công với mô hình trồng 1.000 chậu cúc đại đóa và pha lê. Xuất thân từ xã Cam Lâm (Khánh Hòa), anh được người thân truyền “bí kíp” nên năm nay mạnh dạn đầu tư hơn 165 triệu đồng thuê đất, đúc chậu, trồng hoa cúc. Nghề trồng hoa cúc chậu công phu hơn những loài hoa khác, từ lúc xuống giống đến khi xuất bán mất khoảng 5 tháng với đủ các khâu: chuẩn bị giống, làm đất, quây chậu, chẻ tre làm que cắm, bón phân, phun thuốc, lặt lá, lặt bông tơ... Ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm thì người trồng hoa còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện thời tiết. Đặc biệt, đối với những người đang thử nghiệm như anh Quân thì càng vất vả hơn. Trong quá trình trồng, anh quan sát, tìm phương pháp, kỹ thuật phù hợp với khí hậu vừa nắng, vừa gió như Ninh Thuận, để cây phát triển tốt nhất. Để đảm bảo kịp thời vụ, cúc bung cành vun, tròn đều, khi cây “bén rễ” anh túc trực tại vườn tưới nước 2 lần/ngày, phun thuốc kích thích sinh trưởng. Khi cây cao khoảng 40cm thì cắm nẹp tre để giữ thân cúc thẳng và vững; ban đêm phải thắp đèn điện để “kéo đọt”, kích thích cây phát triển chiều cao...đến đầu tháng Chạp thì “rút bóng” ươm nụ, chờ xuân. Nhìn những chậu cúc đang bung nụ, tỏa sắc, khoe hương, lòng anh Quân vui như mở hội: Mặc dù chưa chính thức mở bán nhưng đã có nhiều khách đến đặt với số lượng lớn. Tuy nhiên, vì năm đầu thử nghiệm nên gia đình tôi chỉ đủ cung ứng thị trường bán lẻ, với giá bán dao động từ 150.000 -1500.000 đồng/chậu, tùy theo kích cỡ.
Xa xa sắc vàng từ những chậu hoa cúc bung nụ đón nắng, những chùm nho căng tròn đỏ mộng…như đang mời gọi xuân về mang theo bao niềm hạnh phúc, ấm no của người trồng hoa tết.
Mỹ Dung