Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hoạt động nông nghiệp địa phương phát triển toàn diện. Bên cạnh thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục được huyện quan tâm, chú trọng. Hướng tới mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chủ lực, trên cơ sở định hướng cụ thể, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ tập quán chăn thả sang nuôi tập trung, khuyến khích áp dụng các hình thức chăn nuôi mới; chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực tế ở mỗi xã, để bố trí giống vật nuôi phù hợp, nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh ở mỗi vùng.
Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng với định hướng thiết thực của ngành Nông nghiệp huyện, hoạt động chăn nuôi có bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân, nhiều nông hộ không còn phụ thuộc nhiều vào đồng cỏ tự nhiên mà chủ động xây dựng chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo. Ông Ea Xít Huấn, ở thôn Bà Râu 1 (xã Lợi Hải) chia sẻ: Gia đình hiện có 8 con bò, trong điều kiện nắng hạn, đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, nếu chăn thả thì không đủ thức ăn, bò kém phát triển. Chính vì vậy, ngoài việc tận dụng phụ phẩm từ thân cây bắp, rơm rạ sau khi thu hoạch, tôi để dành 1 sào đất để trồng cỏ voi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ, nên đàn bò luôn phát triển tốt. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi luôn được ưu tiên triển khai kịp thời; đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, miền núi, huyện tập trung hỗ trợ con giống, giúp cho nhiều nông hộ tại địa phương có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi lâu dài. Chỉ tính riêng trong năm 2019, thông qua chương trình 135 và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện cấp trên 180 con dê bách thảo, 20 con bò cho 58 hộ khó khăn trên địa bàn.
Gia trại chăn nuôi bò của ông Ea Xít Huấn, ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải.
Song song đó, huyện còn chú trọng xây dựng Đề án Phát triển các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh, mang tính đặc sản của địa phương. Trong đó, heo đen bản địa và gà núi được xem là vật nuôi có giá trị kinh tế cao; với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, sản phẩm heo đen và gà Thuận Bắc trong vài năm trở lại đây có bước phát triển vượt bậc, hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn từng bước được mở rộng, chất lượng đàn cũng được nâng cao. Tiêu biểu trong hoạt động này phải kể đến việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi theo quy trình khép kín với hàng trăm con heo đen và gà của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Suối Đá (Lợi Hải). Để tạo dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường đối với 2 sản phẩm này, ngoài xây dựng kế hoạch quảng bá rộng rãi, Hợp tác xã còn mạnh dạn xây dựng chuồng trại rộng lớn, đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ… Qua đó, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, số lượng xuất bán tăng đều mỗi năm. Ngoài ra, huyện còn thành lập 10 tổ nhóm liên kết nuôi heo và gà với số lượng lớn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đem lại lợi nhuận đáng kể cho hộ nuôi.
Đến nay, vị thế ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng được khẳng định, có những bước tăng trưởng khá, với tổng đàn gia súc có sừng hiện có 35.400 con; trong đó, đàn trâu, bò chiếm 22.150 con; dê, cừu 13.250 con; heo gần 15.690 con; đàn gia cầm 166.130 con. Theo thống kê, sản phẩm chăn nuôi xuất bán trong năm nay đối với gia súc đạt 3.450 tấn thịt hơi, hơn 550 tấn thịt gia cầm. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nghề chăn nuôi, đời sống người dân ở địa phương có nhiều cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn 2.456/11.016 hộ, giảm 4,43% so với năm 2018.
Mục tiêu của huyện Thuận Bắc phấn đấu từ nay đến năm 2025, duy trì tốc độ tăng trưởng quy mô tổng đàn gia súc có sừng đạt trên 47.000 con, đàn heo 23.000 con; tỷ lệ sind hoá đàn bò trên 78%; đàn dê, cừu lai tạo giống mới trên 85% ... đưa giá trị ngành chăn nuôi đóng góp 41% trong tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản trên địa bàn huyện. Nhằm đảo bảo kế hoạch đề ra, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi cụ thể, theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với các cơ sở giết mổ và chế biến tập trung. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ, phân bổ cho người dân đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Hồng Lâm