Theo đó, bức tranh ICT Việt Nam năm 2019 với 3 điểm nhấn căn bản là việc triển khai các hoạt động để xây dựng Chính phủ điện tử, chiến lược Make in Việt Nam và cuộc cách mạng 4.0 đem lại sự bứt phá cho nền kinh tế.
Ảnh: VGP/Hiền Minh
10 sự kiện tiêu biểu gồm:
1 - Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng 4.0
2 - Xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG
3 - Viêt Nam tuyên bố chiến lược Make in Vietnam
4 - Việt Nam thử nghiệm mạng 5G
5 - Bộ TT&TT siết chặt quản lý Google và Facebook
6 - Vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia
7 - Chính phủ đồng ý cho nhà mạng thí điểm Mobile Money
8 - Ra mắt một loạt mạng xã hội Việt Nam
9 - Xét xử giai đoạn 2 vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng
10 - Chính phủ vận hành hệ thống E-Cabinnet
Với việc chính thức vận hành hệ thống E-Cabinet, Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng ngay trên các thiết bị di động iPad. Cũng qua hệ thống E-Cabinet, các cuộc họp của Chính phủ sẽ rút ngắn thời gian hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hệ thống E-Cabinet là một bước thí điểm quy trình ứng dụng CNTT trong xử lý công việc. Muốn triển khai thành công nền kinh tế số, xã hội số thì phải có Chính phủ số mà khởi đầu là sự khai trương của hệ thống E-Cabinet.
Với mục tiêu thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ cũng đã ra mắt Cổng Dịch vụ công quốc gia vào ngày 9/12/2019 - đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Cổng Dịch vụ công quốc gia được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật thông tin. Tính ưu việt của Cổng dịch vụ công quốc gia là việc giảm thiểu tối đa thời gian khai báo thông tin cho người dùng. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 tài khoản tại địa chỉ dichvucong.gov.vn để tra cứu thông tin cũng như nộp hồ sơ trực tuyến các thủ tục hành chính và dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Một trong những điểm nhấn khác trong lĩnh vực ICT năm nay đó là chiến lược “Make in Vietnam” được Chính phủ và Bộ TT&TT đẩy mạnh.
Thực hiện chiến lược này, nhiều doanh nghiệp ICT Việt Nam đã tuyên bố làm chủ công nghệ và sản xuất được các sản phẩm, giải pháp tương đương với những sản phẩm cạnh tranh các hãng lớn trên thế giới. Cũng trong năm 2019, nhiều mạng xã hội Việt Nam ra mắt như Gapo và và Lotus. Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng mạng xã hội của Việt Nam, tuy nhiên Bộ cho rằng mạng xã hội của Việt Nam phải khác biệt với Facebook mới có thể tồn tại và phát triển được.
Theo www.chinhphu.vn