Sử dụng sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move – Gặp Gỡ, Kết nối, Đồng hành và Phát triển), triển khai trên nền tảng công nghệ 4.0, lựa chọn eCo (Sàn thương mại điện tử) và eSo (Sàn giao dịch trên mạng xã hội) song hành với các phương pháp truyền thống.. là những kinh nghiệm được đưa ra tại "Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 17/12.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cánh mạng 4.0” được xây dựng và triển khai dựa trên cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, hướng tới bảo đảm “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Quang cảnh Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, tại Việt Nam, đã có khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo trong giai đoạn 4 năm từ 2012 đến 2016. Thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là cần giải quyết tình trạng nghèo kinh niên đang tập trung chủ yếu ở nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng miền núi, xa xôi hẻo lánh. Dự án đã được thí điểm tại tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông.
Bà Caitlin Weisen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nhân, nhà khoa học và quan chức chính quyền địa phương là chìa khóa để khám phá những lợi thế địa phương, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin ở thời đại 4.0 là mấu chốt giúp giải quyết tình trạng nghèo bền vững.
Sự hợp tác này bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, 100% các hợp tác xã tại tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông đã cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm, với năng suất tăng, hậu cần tốt hơn, chất lượng sản phẩm, tiếp thị và đóng gói. Ví dụ, 11 trong số 26 hợp tác xã ở Bắc Kạn đã nâng cấp công nghệ sản xuất và cải cách quy trình sản xuất, điều này dẫn đến tăng năng suất và chất lượng, đồng thời, giảm chi phí đầu vào.
Dựa trên những thành công đó, Bà Caitlin Weisen đề nghị các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển quan tâm xem xét, điều chỉnh, áp dụng và nhân rộng phương pháp này tới nhiều địa phương khác tại Việt Nam.
Bà Caitlin Weisen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Cũng tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp địa phương cùng chia sẻ những kết quả, thách thức, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tiếp tục nhân rộng mô hình “Liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản phẩm bản địa ứng dụng nền tảng thương mại điện tử” phù hợp với hộ nghèo và người dân tộc thiểu số gắn kết với phương pháp truyền thống, văn hóa bản địa một cách hiệu quả và bền vững tới các địa phương khác, như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum,...
Theo TTXVN/Báo Tin tức