Chúng tôi đến thăm Nghệ nhân Sầm Tánh, gặp ông đang ngồi trước hiên nhà cân chỉnh âm thanh cho bộ trống ghi năng mới hoàn thành, chuẩn bị giao theo đặt hàng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận. Dọc theo hiên nhà là những thân trống ghi năng, trống baranưng đang được ông chế tác dở dang đợi khô gỗ chuẩn bị bịt da và cân chỉnh hoàn thiện. Sân nhà ông Sầm Tánh như một “công xưởng” chế tác trống ghi năng, trống baranưng hoạt động quanh năm phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân mua sắm sử dụng. Những bộ nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm độc đáo có giá trị sử dụng lâu bền mang thương hiệu Sầm Tánh là nghệ nhân đã bước qua lớp tuổi “thất thập cổ lai hy”. Vóc dáng cao lớn, nghệ nhân Sầm Tánh lắng lòng theo nhịp trống ghi năng vang xa, biểu hiện sức khỏe cường tráng của người nghệ nhân đa tài được ví như “báu vật sống” của làng Chăm Bỉnh Nghĩa.
Trao đổi với Nghệ nhân Sầm Tánh, chúng tôi được biết thời trai trẻ ông được cha ruột là nghệ nhân Sầm Tới truyền dạy kỹ thuật chế tác và biểu diễn thành thục 75 bài bản trống ghi năng phục vụ cho hoạt động lễ nghi của đồng bào Chăm địa phương. Kế thừa nghề làm trống ghi năng của cha, ông tiếp tục nghiên cứu chế tác các loại nhạc cụ cơ bản trong dàn nhạc lễ của đồng ào Chăm như trống baranưng, kèn saranai, đàn kanhi. Nhạc cụ do nghệ nhân Sầm Tánh chế tác bền đẹp bảo đảm chuẩn âm hưởng nhạc lý truyền thống được cộng đồng tin tưởng. Bà con người Chăm ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên đặt hàng cho ông chế tác nhạc cụ truyền thống và phục hồi các vật dụng cổ người Chăm như xe trâu, cối xay lúa, cối giã gạo. Để hoàn thành một bộ trống ghi năng có giá bán 14,5 triệu đồng, ông lao động miệt mài 15 ngày từ đục rỗng thân trống đến bịt da và căng dây da trâu cho căng hai mặt trống. Cây lim và cây cốc là hai loại gỗ chế tác trống ghi năng không bị nứt, âm thanh trầm ấm sử dụng lâu bền.
Ngoài việc chế tác nhạc cụ, nghệ nhân Sầm Tánh còn truyền dạy biểu diễn trống ghi năng, trống baranưng cho nhiều người học tập, rèn luyện trở thành nhạc công tiêu biểu ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa như Thuận Danh, Đạo Lịch, Thuận Ngọc Hòa, Thành Châu. Ông cũng đã tham gia truyền dạy biểu diễn trống ghi năng cho trên 30 học viên theo chương trình hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam với địa phương. Đầu năm 2019, Nghệ nhân Sầm Tánh được Công ty Cổ phần Lune Production (TP. Hồ Chí Minh) hoạt động lĩnh vực giải trí mời ra Đà Nẵng dạy vỗ trống ghi năng căn bản cho 20 học viên. Ông tận tâm truyền nghề làm trống ghi năng, trống baranưng cho các thanh niên Sầm Văn Chuyên, Thành Văn Khuê.
“Tôi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt làm trống ghi năng, trống baranưng và cối xay lúa thủ công của đồng bào Chăm xưa. Tôi nỗ lực hoàn thành để kịp bàn giao sản phẩm trước Tết Nguyên đán Canh Tý-2020. Tuy tuổi cao nhưng nhờ có sức khỏe tốt nên tôi vẫn cần mẫn lao động chế tác nhạc cụ và các vật dụng sinh hoạt của đồng bào Chăm. Qua đó, vừa tạo được việc làm thường xuyên có thu nhập vừa góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Chăm. Được sự giúp đỡ của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của chính quyền xã Bắc Sơn, tôi đã hoàn thành thủ tục đề nghị cấp trên trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong thời gian tới”, nghệ nhân Sầm Tánh chia sẻ niềm vui.
Sơn Ngọc