Bộ mặt nông thôn các xã nghèo được cải thiện rõ rệt; người nghèo được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, đời sống được nâng lên, ổn định cuộc sống, phát triển và góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh phát triển.
Hạ tầng giao thông huyện Bác Ái được quan tâm đầu tư qua đó tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Ảnh: P.Bình
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, năm 2019 thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, các chính sách đặc thù trên địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo hiệu quả, đúng mục tiêu. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 được phân bổ hơn 102,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã cấp 202.742 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; người dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn và người sống vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, góp phần vào thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 1.700 lượt hộ nghèo vay 59,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng tổng dự nợ đến cuối năm 2019 đạt 298,3 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện 8,93 tỷ đồng cho 13.534 hộ nghèo. Công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 20.000 đối tượng, ngân sách chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên 100 tỷ đồng; 100% đối tượng bảo trợ đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng đều được thực hiện theo đúng quy định. Phối hợp tổ chức thực hiện chăm lo Tết nguyên đán 2019 cho các đối tượng là người nghèo, bảo trợ xã hội và người cao tuổi được chu đáo kịp thời cho 33.355 người, với kinh phí hơn 6,7 tỷ đồng; hỗ trợ gạo cứu đói cho hộ nghèo, cận nghèo 13.247 hộ/53.152 khẩu, với số gạo 797.280 kg...
Công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, bước đầu đào tạo nghề đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và kết nối giải quyết việc làm; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực đưa giáo viên, học sinh sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động công nghiệp tại một số đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, để người lao động dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về cung lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong năm, đã thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho 9.326 người, đạt 109,72%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,8%; toàn tỉnh đã tạo mới việc làm cho 17.174 người, đạt 110,8%, trong đó lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 210 lao động, đạt 140% so với chỉ tiêu giao.
Năm 2020, mục tiêu của tỉnh đề ra: Tạo việc làm mới 15.500 người, trong đó, số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 150 người; tuyển mới dạy nghề 9.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,16%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn mới (riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 4% trở lên); 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành LĐ-TB&XH đã đề ra một số giải pháp trọng tâm: Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH, ngành tiếp tục tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội. Trong đó, chú trọng dạy nghề, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên; giữ vững và tăng thị phần ở các thị trường xuất khẩu lao động. Thực hiện các giải pháp mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo theo hướng bền vững. Cùng với nguồn lực từng bước tăng lên và những nỗ lực trong tổ chức thực hiện, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh và từng địa phương.
Xuân Bính