Song hành một tuần cùng các em SV, HS các trường TH, THCS và THPT trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước và Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, tham gia lớp tập huấn, tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống do Nhà Thiếu nhi tỉnh phối hợp Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Thiên Niên Kỷ (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức. Theo ghi nhận của chúng tôi, nội dung các buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho HS, SV đã dành nhiều thời gian xây dựng các tiểu phẩm, hoặc cho các em thực hành, nhận diện các tình huống có vấn đề và đưa ra cách xử lý. Điển hình với các tiểu phẩm như: Kỹ năng phòng chống xâm hại, kỹ năng tự vệ, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, kỹ năng thuyết trình... đã thu hút các em HS, SV tham gia rất hào hứng và nhiệt tình.
Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thuận Bắc hào hứng tham gia diễn các tiểu phẩm tình huống giả định.
Ông Bùi Tiến Hưng, báo cáo viên Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Thiên Niên Kỷ (TP. Hồ Chí Minh), cho biết: Tùy vào độ tuổi và cấp học mà chúng tôi sẽ có giáo trình phù hợp với các em. Và, khi HS càng lên cấp học cao, việc giáo dục kỹ năng sẽ quan tâm đến vấn đề tâm, sinh lý hay kiến thức về pháp luật, với mỗi kỹ năng, chúng tôi đều xây dựng tiểu phẩm để vừa sinh động, vừa giúp các em phát triển tư duy, tiếp thu nhanh kiến thức, cùng với đó là cố gắng truyền tải thông điệp ngắn gọn, súc tích và phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thuận Bắc, để các em nắm bắt được sự việc bạo lực học đường một cách cụ thể, giáo viên đã xây dựng rất nhiều tiểu phẩm khác nhau, trong đó có tiểu phẩm giả định các em HS đánh nhau do chính các em đảm nhận vai diễn. Cùng với sự dẫn dắt của giáo viên, các em được trao đổi và đặt câu hỏi kiểm tra nhận thức, cách xử lý của các em như thế nào nếu là người trong cuộc. Hầu hết các em đều nhận thức không nên đánh nhau với bạn, và xử lý tình huống khá tốt khi đa số đều có hành động gọi thầy cô giúp đỡ nếu trong trường học và gọi người lớn nếu ở ngoài xã hội, cũng có một số bạn còn e ngại nên chưa thể xử lý tình huống... qua tiểu phẩm như vậy, các em sẽ được trao đổi về các nội dung như bạo lực học đường là gì, nguyên nhân và hậu quả của hành vi bạo lực học đường, cùng với đó là cách xử lý tình huống khi gặp tình trạng bạo lực học đường. Ngoài ra, các em còn được trau dồi kỹ năng làm sao để xử lý tình huống hiệu quả nhất, cùng nhau xây dựng tình bạn đẹp và ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường. Em Patâuxá Lợi, HS lớp 11, cho biết: Qua hôm nay, em thấy mình đã tự tin hơn rất nhiều và có thể xử lý tình huống xảy ra trong cuộc sống. Trong quá trình học, đôi khi em và các bạn có những hiểu lầm gây tranh cãi, em nghĩ mình sẽ cùng các bạn nói chuyện thẳng thắng với nhau để hòa giải và xây dựng nên tình bạn đẹp.
Nếu như ở cấp bậc THPT, các em có thể nhận thức được sự việc xảy ra xung quanh mình và linh hoạt trong cách xử lý, thì đối với các em TH, kỹ năng sống sẽ giúp ích cho các em rất nhiều để có thể nhận định tình huống xảy ra. Có mặt tại Trường TH Phủ Hà 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chúng tôi ghi nhận được các em rất hào hứng với buổi tập huấn giữa sân trường. Bằng sự kiên trì, thẳng thắn của giáo viên trong việc chia sẻ, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh xâm hại bằng các tình huống giả định, nhiều em đã mạnh dạn giơ tay phát biểu trả lời các vấn đề liên quan, cùng với phương pháp hỏi - đáp để giúp các em có thể nắm được cách xử lý. Song, với chủ đề trên, các em đều có những hiểu biết nhất định, khi đi vào từng trường hợp cụ thể, nhiều em còn tỏ ra lúng túng, không biết xử lý như thế nào cho đúng. Em Đàn Nguyễn Quế Anh, HS lớp 5, chia sẻ: Em chưa gặp phải tình huống đặt ra trong tiểu phẩm, nhưng qua đó em học hỏi được nhiều kỹ năng cần thiết cho bản thân để tránh xa nguy hiểm.
Không chỉ HS hào hứng mà rất đông phụ huynh cũng tỏ ra phấn khởi. Chị Tô Tuyết Trinh, cho biết: Tôi thấy buổi tập huấn kỹ năng sống này rất hữu ích và cần thiết cho con mình. Với các tiểu phẩm cụ thể gần với cuộc sống, vừa hài hước, vừa mang tính giáo dục sẽ thu hút các em hơn, khi ở nhà tôi chỉ nói suông, đôi khi con chưa hiểu rõ hết vấn đề. Tôi nghĩ những buổi tập huấn như thế này cần được tổ chức nhiều hơn sẽ giúp HS hiểu biết và tự tin xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra.
Còn đối với các em SV Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, SV được thực hành các kỹ năng thuyết trình làm sao để tự tin nói trước đám đông, kỹ năng ra quyết định và xử lý vấn đề, kỹ năng giao tiếp... dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Cùng với đó là những tình huống thực tế được đưa ra thảo luận như: Kế hoạch, mục tiêu khi ra trường, để một nhà tuyển dụng lựa chọn... nhằm phát huy tính sáng tạo, sự chủ động của các em. SV Trần Thị Hà Anh, cho biết: Kỹ năng sống giúp em nhận biết và có thái độ tích cực đối với những tình huống căng thẳng, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đây được xem là những kỹ năng cần thiết, làm hành trang cho em sau khi tốt nghiệp ra trường để vững tin bước vào xã hội.
Qua buổi tập huấn cho chúng tôi thấy được, có thể những tiểu phẩm được xây dựng là những kỹ năng đơn giản, nhưng nếu chủ quan, lơ là thì các em khó mà xử lý khi gặp phải. Đặc biệt, đối với lứa tuổi HS với bản năng tò mò, thích khám phá thì những câu chuyện như vậy sẽ gúp các em nâng cao nhận thức với những thay đổi xung quanh. Hoặc đối với các em còn có tâm lý e ngại thì qua các tiểu phẩm sẽ giúp các em trở nên tự tin hơn trong xử lý tình huống, cùng với đó dần dần hình thành cho các em có thói quen tốt khi tự mình suy nghĩ, phân tích đúng sai và nhận thức nên làm thế nào khi sự việc xảy ra xung quanh và có trách nhiệm với việc mình đang làm.
Kim Thùy