Từ việc khởi nghiệp xanh…
Sau hơn 2 năm xây dựng, cơ sở chế biến thực phẩm không hóa chất Ông Thắng ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu với khách hàng. Để tạo dựng được cơ sở này, là cả một câu chuyện dài về nghị lực, kiên trì của nữ chủ nhân theo đuổi đam mê chế biến nông sản sạch.
Tốt nghiệp khoa Công nghệ Thực phẩm Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Ánh được học bổng toàn phần học thạc sĩ tại Pháp và đạt 2 bằng thạc sĩ về nghiên cứu độc chất trong thực phẩm và quản lý chất lượng trong công nghiệp thực phẩm tại đại học Bourgogne. Sau khi hoàn thành khóa học, Ánh tìm được công việc ổn định ở Nhà máy Chế biến thực phẩm Festins de Sologne tại Pháp. Sau 3 năm chị trở về làm tại Công ty Phân phối thực phẩm không hóa chất TA XANH (Xanhshop.com) ở TP. Hồ Chí Minh. Tưởng chừng công việc ổn định sẽ “níu chân” cô gái trẻ Hồ Thị Ánh, thế nhưng ước mơ khởi nghiệp trên chính quê hương luôn đau đáu khiến Ánh luôn muốn trở về.
Với ít vốn dành dụm được cùng với kiến thức đã học, thạc sĩ trẻ Hồ Thị Ánh bắt tay thực hiện ước mơ khởi nghiệp theo “chiến lược” lấy ngắn nuôi dài. Nhận thấy nguồn nguyên liệu sạch trên chính quê hương khá phong phú, sau hơn một năm tự mày mò, nghiên cứu, Ánh bắt tay mở cơ sở chế biến thực phẩm không hóa chất Ông Thắng. Ruốc khô là sản phẩm đầu tiên mà Hồ Thị Ánh đưa vào thử nghiệm sản xuất. Tiếp nối thành công, Ánh lần lượt mở rộng thêm các sản phẩm từ cây sen, hạt ngũ cốc, chuối sấy dẻo vị gừng, chuối hồng còn vỏ lụa... Mỗi sản phẩm là nguồn động lực giúp cô thạc sỹ trẻ sớm hoàn thành “sứ mệnh” đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Tiêu chí đầu tiên mà Ánh đặc biệt đề cao và nghiêm túc tuân thủ là chọn nguồn nguyên liệu sạch, theo nghĩa hạn chế sử dụng các loại hóa chất độc hại như thuốc trừ cỏ, trừ sâu… và dần hướng tới không sử dụng phân bón hóa học trong quá trình canh tác. Đặt mình vào thế khó, Ánh dành nhiều thời gian tìm hiểu, đánh giá các nguồn nguyên liệu ưng ý. Hiện nay, chị hợp tác với 4 hộ dân tại địa phương cung cấp nguồn nguyên liệu từ chuối và sen. Thời gian tới, chị tiếp tục ký hợp đồng với 1 hộ dân trồng thử nghiệm các loại đậu hạt đảm bảo tiêu chí canh tác theo hướng tự nhiên.
Phần lớn khâu chế biến là thủ công, dựa vào năng lượng tự nhiên nên xưởng sản xuất của Ánh không cần nhiều máy móc. Do vậy để tạo ra sản phẩm không sử dụng hóa chất đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn như: ủ, hấp, rang, tách vỏ, xay, sấy, phơi... Nhận thức tác hại rác thải nhựa đối với môi trường sống, nên Ánh dùng túi giấy đóng gói toàn bộ sản phẩm, do vậy hàng không bảo quản được lâu nên cơ sở chỉ sản xuất, đóng gói theo đơn đặt trước. Bỏ khá nhiều công sức, nhưng với chữ tín hàng đầu, Ánh luôn tự tay lựa chọn nguồn nguyên liệu, giám sát khâu sản xuất. Nhờ vậy, các sản phẩm của cơ sở chế biến thực phẩm không hóa chất Ông Thắng ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Trung bình mỗi tháng cơ sở cung cấp trên 300 kg sản phẩm các loại tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội...
...Đến hành trình xanh hóa Ninh Thuận
Không dừng lại ở việc mở cơ sở chế biến nông sản sạch, mà Ánh còn mong muốn được góp sức trẻ, chung tay “xanh hóa” Ninh Thuận. Từng chứng kiến cảnh vất vả của bà con trong vùng tâm hạn, nhiều năm qua, Ánh tự thôi thúc mình phải hành động để giữ nguồn nước ngầm, giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai. Để thực hiện dự định của mình, Ánh bắt đầu với việc trồng cây ở những trường học thiếu bóng mát trong tỉnh. Nghĩ là làm, tháng 6-2019, Ánh trích một phần thu nhập từ xưởng, mua cây, phân bón và dụng cụ trồng cây tại Trường Mầm non Phước Tiến (Bác Ái). Để cây phát triển tốt, sau mỗi lần trồng, Ánh thỏa thuận với các thầy cô giáo, học sinh cùng nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của hành động “phủ xanh sân trường” mang lại, nhiều người dân trong tỉnh tích cực cùng tham gia. Sau gần nửa năm hoạt động, đến nay nhóm của Ánh trồng 178 cây xanh ở 11 điểm trường trong tỉnh. Để nhân rộng việc ‘xanh hóa’ Ninh Thuận, Ánh thành lập trang Greening Ninh Thuận, mong muốn qua đó lan tỏa được nhiều người cùng hưởng ứng nhiệt tình. Ánh chia sẻ: Trước mắt nhóm duy trì hoạt động trồng cây mỗi tháng/lần ở những trường, khu dân cư thiếu bóng mát. Với mong muốn, mỗi cây xanh phát triển sẽ tỏa bóng dịu mát, góp phần giữ mạch nước ngầm, cải thiện tình trạng nắng nóng ở Ninh Thuận. Để giấc mơ xanh hóa Ninh Thuận thành công, Ánh mong muốn sự chung tay, góp sức của cộng đồng.
Chia tay Ánh, chúng tôi thực sự cảm kích trước việc làm đầy ý nghĩa của chị. Tuy chặng đường Ánh đi còn đầy gian nan, nhưng mỗi bước đi của chị thể hiện ý chí, khát vọng, nỗi niềm riêng đối với miền đất nắng.
Duy Nam