Đồng chí Tạ Yên Liêu đưa chúng tôi đến thăm gia đình Nghệ nhân ưu tú Tạ Yên Lơ ở khu dân cư Là A. Trao đổi với nghệ nhân trong ngôi nhà mới xây khang trang, chúng tôi được biết tuổi thơ của anh được nuôi dưỡng trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc dân gian Raglai ở xã vùng cao Phước Hà. Từ lúc lên 9- 10 tuổi, anh được ông ngoại là Tain Lo và mẹ ruột là bà Tain Thị Tin dạy biểu diễn nhạc cụ mã la. Bà Tin là nghệ nhân phụ trách đội mã la nữ thuộc tộc họ Tain. Nhờ sự sáng dạ và lòng đam mê nhạc cụ truyền thống của ông bà, Tạ Yên Lơ “nằm lòng” các bài bản mã la. Với phong cách biểu diễn “nhập tâm”, anh đánh thành thạo các bài bản truyền thống như: Răq Ia (Theo nước), Chip Yâu (Chim kêu), Budi Tuih (Chim Rù Rì), Peq bok Rupai (Hái trái đậu), Tikay aday nao kajăp karo (Cái chân em đi mạnh giỏi), Kalak Toah Ia (Ó đi tìm nước), Sia (Đoàn tụ)…Khi đến tuổi thanh niên, anh trở thành nhạc công chính của đội văn nghệ quần chúng xã Phước Hà, tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội truyền thống và các ngày lễ lớn tại địa phương. Tạ Yên Lơ truyền dạy biểu diễn mã la cho 26 thanh-thiếu niên tộc họ Tain, tích cực góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Đội văn nghệ tộc họ Tain do anh truyền dạy xuất sắc đoạt giải Đặc biệt tiết mục hát dân ca, tấu mã la, múa lễ tại Hội thi trình diễn nhạc cụ mã la đồng bào Raglai tỉnh Ninh Thuận năm 2017.
Nghệ nhân ưu tú Tà Yên Lơ được Nghệ nhân Bàlo Túi ở thôn Là A dạy chế tác và biểu diễn khèn bầu (Sarakel). Để chế tác chiếc khèn bầu, anh dày công sưu tầm trái bầu già có chiều dài khoảng 30 cm và tỉ mỉ mài 6 lá đồng dài 2 cm mỏng như lá lúa lắp vô 6 ống là a đường kính khoảng 1 cm. Tà Yên Lơ mất 10 ngày lắp đặt, cân chỉnh âm thanh chiếc kèn bầu khi thổi lên nghe có hồn rồi ở lại mãi với lòng người. Tiếng khèn bầu gắn kết tình cảm thân thiết của bà con thôn xóm vào những dịp ăn mừng lúa mới, lễ hội, cưới hỏi, bỏ mả, bạn bè đến nhà thăm chơi. Khèn bầu có thể biểu diễn độc tấu hoặc hòa chung với mã la, tù và, chapi, trống đất, tạo nên âm vang núi rừng đặc sắc làm quyến rũ lòng người. Ngoài ra, anh còn học chế tác và biểu diễn đàn chapi, trống đất, kèn sừng trâu, cân chỉnh âm thanh mã la. Tà Yên Lơ được cha ruột là ông Tạ Yên Ló truyền nghề chế tác cây nêu phục vụ nghi lễ ăn đầu lúa mới cho bà con địa phương. Cây nêu do anh chế tác khắc họa nhiều hoa văn, họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai địa phương. Cây nêu là biểu tượng tâm linh trong những dịp cúng ăn đầu lúa mới, cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu canh tác mùa màng tốt tươi, làng xóm an vui, gia đình no ấm.
“Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi có ba niềm vui lớn là bản thân được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; xây dựng hoàn thành ngôi nhà mới khang trang; được mời tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận lần thứ III năm 2019. Phát huy vai trò nghệ nhân ưu tú, tôi tiếp tục vận động bà con thôn xóm thi đua thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận tỉnh phát động. Đồng thời phối hợp với các đoàn thể ở khu dân cư tổ chức truyền dạy cho con em tộc họ và thanh- thiếu niên thôn xóm chế tác, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng dân gian của đồng bào Raglai như ăn đầu lúa mới, cúng ông bà tổ tiên”, Nghệ nhân ưu tú Tà Yên Lơ phấn khởi chia sẻ niềm vui.
Sơn Ngọc