Thôn Lạc Sơn 1 nằm sát biển nên mỗi nhà đều có thuyền thúng đi biển. Để hiểu rõ hơn về một buổi đi biển của ngư dân thuyền thúng, trong cái lạnh giá của tiết trời chuẩn bị sang đông đầu tháng 11, chúng tôi phải thức dậy khi mới 3 giờ sáng. Có lẽ, vì quen với cái lạnh do năm tháng gắn bó mà ngư dân đều quên đi sự mệt nhọc của buổi sáng sớm chưa đủ giấc, thay vào đó là tiếng cười nói rôm rả cùng các bạn biển đang sắp xếp lại lưới, dụng cụ vào thúng để chuẩn bị ra khơi mong đầy ấp cá tươi. Những chiếc thuyền thúng được làm bằng tre đan chặt và được quét lớp dầu rái ngăn nước chảy vào, cùng chiếc mái chèo, đèn pin và tấm lưới 2 (loại lưới chuyên bắt cá loại vừa, những cá nhỏ sẽ không dính lưới) là dụng cụ không thể thiếu của ngư dân nghề thuyền thúng. Lão ngư Nguyễn Ngọc Luân đã có thâm niên hơn 15 năm đi thuyền thúng, tay thoăn thoắt sắp xếp tấm lưới vào thúng rồi nhờ bạn biển của mình đẩy thúng ra chỗ sóng biển đánh vào, đợi thuyền cỡ lớn kéo ra khơi, cho biết: Thúng của bà con ở đây chưa gắn động cơ nên mỗi lần ai muốn đi xa tầm 4-5 hải lý thì thuê chiếc thuyền cỡ lớn kéo ra khơi rồi bắt đầu công việc quăng lưới bằng tay đánh bắt hải sản. Nhưng cũng có người đánh bắt gần bờ khoảng 1-2 hải lý thì chèo bằng mái chèo. Vì đi thúng nên mọi người ở đây không ai dám đi xa hàng chục hải lý, được cái, mỗi ngày đi biển đều có cá, thu nhập không cao bằng nghề đánh bắt khác, tuy nhiên mỗi buổi sáng chỉ từ 3-4 giờ đi biển là có nguồn thu nhập mỗi ngày.
Ngư dân thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná (Thuận Nam) sắp xếp lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi biết được ông Luân và nhiều người ở đây, thời còn trai trẻ ai cũng có kinh nghiệm đi biển trên những con tàu lớn đánh bắt xa bờ. Đến khi đã có tuổi, sức khỏe không còn chịu được những chuyến lênh đênh trên biển nhiều ngày, mọi người lại tiếp tục với công việc đi biển là đầu tư cho mình chiếc thuyền thúng đánh bắt gần bờ, ngày qua ngày bám biển mưu sinh. Khi chúng tôi hỏi vì sao ngư trường thuận lợi, mọi người đã có kinh nghiệm đi biển nhiều năm lại không đầu tư chiếc tàu cá nhỏ hay loại thuyền thúng có gắn động cơ cho đỡ vất vả, câu hỏi đó như là niềm trăn trở của các ngư dân nơi đây. Bởi lẽ, khi chi phí xăng dầu cho mỗi chuyến đi biển tăng cao mọi người không thể đầu tư loại thuyền có công suất lớn để đánh bắt gần bờ vì không hiệu quả, đi vào trong ngày, thuyền thúng sẽ nhanh, thuận lợi, ít tốn chi phí. Và hơn hết là phù hợp với ngư dân khi mà nguồn kinh tế gia đình có hạn. Nghề đi biển bằng thuyền thúng luôn gắn với những buổi “ dãi nắng dầm sương” ra khơi, chỉ có một người vừa lái thúng vừa thả lưới. Hiểu được sự vất vả đó nên ngư dân luôn giúp đỡ lẫn nhau, thay vì một người không thể đẩy thúng trên bờ ra chỗ sóng biển đánh vào thì mọi người sẽ phụ nhau đẩy từng chiếc thúng để lợi dụng cơn sóng kéo ra khơi. Nhờ sự hợp sức của nhiều người, chiếc thúng cuối cùng cũng được đẩy ra biển, đứng trên bờ chúng tôi chỉ còn thấy những ánh đèn xanh, đỏ chớp nháy xa dần cùng với tiếng sóng vỗ rì rào.
Sự tĩnh lặng của xóm chài được đánh thức khi bình minh vừa bắt đầu hé, trên bờ biển lại rộn ràng tiếng cười nói chuyện của những phụ nữ đứng đón thuyền thúng của chồng từ khơi xa cập bờ để phụ gỡ những mẻ cá còn dính lưới bán cho kịp buổi chợ. Chị Lương Thị Bạch, tay cầm những chiếc xô đựng cá đứng đợi thúng của chồng cập bờ, chia sẻ: Nhà gần biển nên 2 vợ chồng tôi bám biển mưu sinh. Mỗi ngày, buổi sáng chồng đi biển sớm thì tôi ở nhà tranh thủ lo cho con cái chuẩn bị đi học, rồi ra đây phụ gỡ cá đem bán cho kịp chợ, tan chợ về lo cơm nước, đến trưa 2 vợ chồng lấy lưới ra vá để phục vụ cho chuyến biển hôm sau. Vì chuyến đi nào cũng có cá không nhiều thì ít, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng, hôm nào trúng được luồng cá thì cũng được cả triệu hoặc hơn, bữa trúng mẻ lưới nhiều cá thì dành dụm bù cho bữa ít, có nguồn thu nhập mỗi ngày, đủ để trang trải chi phí trong nhà, lo cho con cái ăn học.
Nhìn từng chiếc thuyền thúng được ngư dân nối đuôi nhau chèo lái bằng mái chèo lợi dụng con sóng xô bờ tiến vào. Chúng tôi như bị cuốn hút bởi bức tranh làng chài nhộn nhịp, cùng tiếng sóng dào dạt là tiếng gọi nhau của vợ chồng, con cái, tiếng chào hỏi của những bạn biển buổi sáng sớm, và hơn hết là tiếng cười giòn tan chúc mừng khi trong thúng của bạn biển trúng được mẻ lưới đầy cá, còn tươi rói. Đa số thuyền thúng của ngư dân đánh bắt được rất nhiều loại hải sản như mực, ghẹ, tôm, cá... mỗi loại một ít, có thúng thì may mắn được nhiều khoảng hơn chục kí nhưng cũng có thúng được ít hơn. Ông Nguyễn Cao Kỳ tươi cười gỡ những con ghẹ dính lưới, chia sẻ: Hôm nay biển êm nên thả lưới cũng dể dàng hơn, mẻ lưới của tôi dính được kha khá, được vài ký ghẹ và mực to nên có giá, chắc hôm nay kiếm được hơn 600 ngàn đồng, có chút thu nhập để dành khi biển động. Nhiều khi thấy biển êm, tôi còn đi thêm chuyến 3 giờ chiều, đến khoảng 6-7 giờ chiều thì vào lại kiếm thêm thu nhập. Kết thúc một buổi sáng đi biển của ngư dân xóm làng chài đi thuyền thúng là khi những con cá được phụ nữ đem ra chợ bán, mọi người tranh thủ rửa thúng, sắp xếp lại lưới rồi về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Chia tay những ngư dân xóm chài là lúc mặt trời đang chiếu những tia nắng đầu tiên xuống biển, nó làm xua tan đi cái lạnh của buổi sương sớm, và thay vào đó là sự ấm áp của nắng ban mai. Nó cũng như sự ấm áp của tấm lòng người chồng, người cha luôn vất vả với đôi bàn tay chai sạn, lênh đênh trên biển “dãi nắng dầm sương”, tảo tần mưu sinh là chỗ dựa kinh tế cho gia đình, để con cái được đến trường cùng bạn bè trang lứa. Mong rằng ngư dân sẽ đánh bắt được nhiều “lộc biển” để kết thúc công việc mỗi ngày là những tiếng cười đùa cùng bạn biển giúp xua tan đi nỗi mệt nhọc.
Kim Thùy