Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo của Chính phủ - Ảnh Chinhphu.vn
Báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2010 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày đã nhấn mạnh một số nét nổi bật lớn năm 2010.
Năm 2010: Kinh tế tăng trưởng khá
Kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2010 đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua (6,5%). Các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu đều tăng cao hơn năm 2009.
Các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được bảo đảm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 72,2 tỷ USD, tăng hơn 4 lần so với chỉ tiêu Quốc hội thông qua (trên 6%). Nhập siêu cả năm 2010 là 12,6 tỷ USD, bằng 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn số báo cáo Quốc hội là 19,8%).
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chúng ta vẫn dành nguồn lực bố trí tăng thêm cả ở cấp Trung ương và địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh trong khi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và khu vực có nhiều biến động.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém lớn còn tồn tại.
Môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như lạm phát tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng 11,75% so với tháng 12 năm 2009, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua (7%); nhập siêu còn lớn; bội chi ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
6 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành
Trước những thách thức lớn đặt ra đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2011 và những năm tiếp theo, Chính phủ đã đề ra 6 mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng.
Đó là hạn chế tăng cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu tốc độ tăng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16% nhưng vẫn bảo đảm bố trí vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…
Triển khai có hiệu quả các giải pháp này thì sức ép lạm phát sẽ giảm, chất lượng tín dụng được nâng cao, định hướng được nguồn vốn cho vay các lĩnh vực cần tập trung phát triển.
Điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là lượng tiền cung ứng, các loại lãi suất, tỷ giá, bảo đảm phù hợp với diễn biến thị trường.
Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách.
Theo đó, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7-8% so với dự toán năm 2011 đã được QH thông qua. Tập trung rà soát các nguồn thu, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý thu thuế, nợ thuế, truy thu thế.
Rà soát, sắp xếp lại chi thường xuyên để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011. Rà soát, sắp xếp, cắt giảm đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hiệu quả. Các bộ, ngành địa phương không ứng trước, không kéo dài thời gian sử dụng vốn, chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ…
Giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ quốc gia.
Thứ ba, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Chính phủ cho biết, phấn đấu đến năm 2011 nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường. Huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng yêu cầu phụ tải điện trong mùa khô, ưu tiên bảo đảm điện cho sản xuất, chỉ đạo việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất và các dự án đầu tư, đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn liền với hỗ trợ người nghèo.
Về điều chỉnh giá điện, Chính phủ cho biết, giá điện thời gian qua bằng khoảng 60-70% giá thành. Đầu tháng 3/2011, Chính phủ đã điều chỉnh một bước giá điện tăng thêm 165 đồng/Kwh. Với mức giá này, doanh nghiệp vẫn chưa có lãi và các khoản lỗ lũy kế trước đây còn lùi lại chờ xử lý sau.
Ảnh Chinhphu.vn
Theo quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì giá xăng dầu đã có căn cứ để vận hành theo giá thị trường. Với mức điều chỉnh giá xăng dầu ngày 24/2/2011 vừa qua, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa có lãi nhưng cũng không bị lỗ. Với cách điều hành này, khi giá xăng dầu quốc tế ở mức thuận lợi, Nhà nước sẽ tiếp tục giữ giá, điều chỉnh thuế, doanh nghiệp có lãi hợp lý để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp tục thực hiện cơ chế thị trường về xăng dầu.
Thứ năm, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.
Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội theo các kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, cho vay học sinh, sinh viên… Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo chuẩn nghèo mới và hỗ trợ hộ nghèo khi điều chỉnh giá điện.
Khi xảy ra khủng hoảng ở Bắc Phi và Trung Đông, Chính phủ đã chủ động, kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với phía nước ngoài đưa toàn bộ lao động Việt Nam ở Libya về nước an toàn.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tư tưởng, tuyên truyền đẩy đủ, kịp thời, nhất là nội dung về tài chính, tiền tệ, giá cả, chính sách về an sinh xã hội.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho báo chí, nhất là những vấn đề dư luận quan tâm.
Tập đoàn Vinashin, bước đầu đã có những kết quả tích cực
Với tinh thần thẳng thắn, tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn.
Đến nay tình hình đã có những kết quả bước đầu, sản xuất kinh doanh đã từng bước ổn định và phục hồi, bàn giao thêm được nhiều tàu cho khách hàng, các tàu vận tải biển đã hoạt động trở lại, việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm.
Về kiểm điểm trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại Vinashin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng được giao nhiệm vụ chủ trì, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Vinashin.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận và kiến nghị với Bộ Chính trị: các đồng chí nêu trên có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật.
Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các đồng chí có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, năm 2010, kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH và ngân sách Nhà nước về cơ bản đúng với những đánh giá, nhận định đã được các cơ quan hữu quan trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.“Ủy ban Kinh tế tán thành với những định hướng và giải pháp lớn trong Nghị quyết 11/NQ-CP. Đồng thời, đề nghị cần thực hiện kiên quyết, khẩn trưởng để các giải pháp trên có hiệu lực, hiệu quả, tăng được niềm tin trong nhân dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam