Nhật Bản xây dựng lại từ đổ nát

Đây là lời khẳng định của Thủ tướng Naoto Kan trong bài phát biểu trên truyền hình sau một tuần xảy ra thảm họa kép kinh hoàng tại Đông Bắc Nhật Bản. Số người thiệt mạng hiện nay đã lên tới 7.653 người và khoảng 11.000 người mất tích.

 

Công nhân dựng lại những ngôi nhà tạm giúp nạn nhân sống sót trong thảm họa kép tại tỉnh Iwate.

Kêu gọi một chính phủ đoàn kết

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan khẳng định: “Tình hình hiện nay là thử thách vô cùng to lớn đối với nhân dân Nhật Bản, vì vậy đây là lúc mọi người không nên nản chí, cần đoàn kết và nỗ lực để phục hồi đất nước. Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhật Bản từ đổ nát”.

Thủ tướng Kan đã kêu gọi sự đoàn kết trong chính phủ Nhật Bản và yêu cầu sự hợp tác từ Đảng đối lập LDP để giải quyết tình hình khó khăn hiện tại. Vào ngày 21-3, ông sẽ bắt đầu chuyến thị sát tình hình tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản.

* Cơ quan Thăm Dò địa chất Mỹ cho biết vào lúc 1 giờ 22 phút ngày 19-3 giờ Nhật Bản đã xảy ra một trận động đất mạnh 5,9 độ richter, làm rung chuyển khu vực ngoài khơi bờ biển phía Đông đảo Honshu của Nhật Bản. Đã có ít nhất 262 dư chấn mạnh từ 5 độ richter trở lên được ghi nhận trong 7 ngày sau trận động đất mạnh 9 độ richter ngày 11-3. Các dư chấn này xảy ra ở ngoài khơi tỉnh Iwate và Ibaraki, trong một khu vực dài 500km, rộng 200km.

Hiện nay, mọi tâm điểm đang dồn về việc xử lý sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Hãng AFP đưa tin, công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết đã kết nối cáp điện từ bên ngoài với nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, đồng thời xác nhận đang chuẩn bị việc cấp điện cho nhà máy để khởi động lại hệ thống làm mát các lò phản ứng hạt nhân.

TEPCO cho biết sẽ cấp điện trước tiên cho lò phản ứng số 2 do lò này có thể ít bị hư hại nhất, tiếp đến là lò số 1, số 3 và số 4. Sau khi kiểm tra hoạt động của các máy bơm và các thiết bị khác, TEPCO sẽ tìm cách khôi phục những bộ phận bị hư hại, ưu tiên cho thiết bị chuyển nước làm mát vào các lò phản ứng. '

TEPCO cũng đã quyết định không thực hiện kế hoạch cắt điện luân phiên ngày 19-3 vì hầu hết các doanh nghiệp không hoạt động trong hai ngày cuối tuần và thời tiết được dự báo ấm áp hơn trong ngày 19-3 tại vùng Kanto quanh thủ đô Tokyo, khiến nhu cầu tiêu dùng điện giảm.

Kết thúc cuộc họp bàn về giải quyết khủng hoảng hạt nhân với chính phủ Nhật Bản, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng việc Nhật Bản áp dụng giải pháp bơm nước và dội nước vào lò phản ứng vừa qua là rất quan trọng để giữ các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ngập trong nước, tránh nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Trong đợt kiểm tra độ phóng xạ trong thực phẩm tại khu vực Fukushima, các chuyên gia đã phát hiện nồng độ phóng xạ cao hơn mức bình thường đang có trong sữa và rau chân vịt. Suốt mấy ngày qua, người tiêu dùng ở nhiều thị trường châu Á đã đổ xô đi mua sữa trẻ em có xuất xứ Nhật. Họ lo ngại rằng sữa Nhật sau này có thể bị nhiễm xạ, hoặc đơn giản hơn là sẽ tăng giá do khan hàng.

Ngoài ra các dấu hiệu iốt phóng xạ cũng được phát hiện trong nước máy ở thủ đô Tokyo. Song trước mắt các sản phẩm này chưa gây nguy hiểm đối với con người.

Thảm họa sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ông Abhas Jha, người đứng đầu đơn vị xử lý thảm họa ở Đông Á của WB nhấn mạnh chi phí để hàn gắn vết thương và phục hồi thảm họa khủng khiếp mà nước Nhật vừa trải qua có thể lên tới 180 tỷ USD, tương đương với 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này. Thời gian để nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này hàn gắn vết thương và phục hồi là ít nhất 5 năm. Nhưng các chuyên gia kinh tế WB cũng nhấn mạnh thảm họa kép vừa qua sẽ không tác động dài hạn đến nền kinh tế thế giới cũng như đến tăng trưởng của Nhật Bản.

Trái lại, thảm họa này có thể còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước “Mặt Trời mọc” vì tác động của nó đến GDP không lớn và chi phí cho tái thiết sẽ thúc đẩy tăng sản lượng nội địa của nền kinh tế. Bộ trưởng Chính sách kinh tế và Tài chính Nhật Bản Kaoru Yosano cho biết thiệt hại kinh tế của các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất do động đất và sóng thần chỉ chiếm chưa đầy 4,1% GDP.

Nguồn Báo SGGP