Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đại diện các Bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ phát động
Đồng chí Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) cho biết: Chủ đề Tuần lễ năm nay “An toàn lao động vì hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” được lựa chọn và phát động thể hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thực hiện và bảo đảm vệ sinh an toàn lao động - phòng chống cháy nổ; Đồng thời kêu gọi doanh nghiệp, người lao động và mỗi gia đình thấy được lợi ích chính đáng và lâu dài của việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN giai đoạn 2011-2015.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong năm 2010, cả nước xảy ra 5.125 vụ tai nạn lao động, giảm 18% so với năm 2009 (6.250 vụ). Tuy nhiên, số vụ TNLĐ có người chết tăng 9,27%: Năm 2010 có 554 vụ, 601 người chết, so với năm 2009- 507 vụ, 550 người chết.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, nghề có tỷ lệ xảy ra TNLĐ nghiêm trọng nhất là Khai thác mỏ và xây dựng (chiếm 47%), tiếp sau là lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp (chiếm 20%).
Nguyên nhân để xảy ra TNLĐ, về phía người sử dụng lao động là không huấn luyện ATLĐ cho người lao động, trang vị thiết bị không bảo đảm an toàn… Về phía người lao động, người bị nạn vi phạm quy trình, quy phạm ATLĐ; không sử dụng đầy đủ đúng cách các phương tiện bảo vệ cá nhân… Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ, nhưng nhiều quy định đặt ra không có chế tài hoặc chế tài không đủ mạnh; lực lượng thanh tra lao động chưa tương xứng với tốc độ hát triển của các doanh nghiệp…
Từ những nguyên nhân và nguy cơ đó, Bộ LĐ-TB&XH đề ra một số giải pháp giảm TNLĐ như: Tổ chức thực hiện tốt Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường huấn luyện, củng cố hệ thống quản lý ATVSLĐ; Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đến các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra viên, tăng cường công tác tự kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ…
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2010 Chính phủ đã phê duyệt Chương tình Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN giai đoạn 2011-2015. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới công tác này. Chăm lo sức khỏe của người lao động, bảo đảm an toàn cho người lao động có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Trả lời phỏng vấn của VOVNews, ông Helmut Ehnes, Tổng Thư ký Hiệp hội An sinh xã hội Quốc tế (ISSA) nói: “Những hoạt động này đem lại hiệu quả lớn, vì giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn vệ sinh lao động. Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã tổ chức được hoạt động như thế này hàng năm. Tôi rất ấn tượng. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được nhiều kết quả trong việc chăm sóc đời sống cho người lao động. Những năm gần đây, vấn đề an toàn vệ sinh lao động được cải thiện rất nhiều. Tôi được chứng kiến và tham gia nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam. Có rất nhiều việc phải làm cho tương lai vì Việt Nam ngày càng phát triển nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp”.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam