Trong thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, điều hành và triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), tuy nhiên, tình trạng mất ATVSLĐ tại các cơ quan, đơn vị vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động (TNLĐ) luôn là vấn đề đáng quan tâm, lo ngại của các cơ quan quản lý, chủ doanh nghiệp và người lao động. Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH, năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNLĐ, làm chết và bị thương 9 người.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 47.500 lao động làm việc tại 1.365 cơ quan, doanh nghiệp. Nhằm làm tốt công tác quản lý ATVSLĐ-PCCN, năm 2010, UBND tỉnh chỉ đạo cho các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp, đặc biệt tại những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ dẫn đến TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ cao. Cụ thể, tổ chức 7 đợt kiểm tra liên ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN tại 23 doanh nghiệp. Đội ngũ thanh tra chuyên ngành còn tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách lao động, giám sát công tác bảo hộ lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại 70 doanh nghiệp. Kết quả từ các đợt thanh, kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chấp hành khá tốt các quy định về ATVSLĐ- PCCN, bảo vệ sức khoẻ người lao động, cải thiện môi trường làm việc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tiến hành đăng ký cho các đơn vị 50 loại thiết bị, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổ chức 21 lớp tập huấn về công tác Bảo hộ lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho 205 lượt đơn vị, thu hút hàng trăm lao động tham gia.
Năm 2010, toàn tỉnh có 74 doanh nghiệp xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động tại đơn vị mình; 80 doanh nghiệp thực hiện báo cáo định kỳ về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp với cơ quan quản lý lao động địa phương, tăng gần 20% so với năm 2009. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ các doanh nghiệp ngày càng quan tâm, trách nhiệm hơn đến công tác ATVSLĐ, giúp các ngành chức năng có cơ sở theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn về ATLĐ tại các cơ quan, đơn vị... Qua kết quả báo cáo, các đơn vị đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 3.669 lượt lao động, trong đó có 1.650 lao động nữ; tổ chức 27 lớp huấn luyện ATLĐ cho 1.435 người; 12 cuộc thi tìm hiểu về thao tác phòng cháy, chữa cháy với hơn 550 người tham gia; 4 cuộc thi an toàn, vệ sinh viên giỏi cấp doanh nghiệp với 300 thí sinh tham dự; thực hiện 45 cuộc tự kiểm tra việc chấp hành quy định về ATLĐ trong quá trình làm việc tại các xí nghiệp, phân xưởng…., qua đó kịp thời uốn nắn, điều chỉnh, bổ sung những khuyết điểm, sai sót trong việc thực hiện quy trình quy phạm ATLĐ. Hơn 1000 lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc độc hại được bồi dưỡng bằng hiện vật, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Hầu hết các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm định và đăng ký sử dụng các thiết bị, máy móc, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ với cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật. Phong trào “Xanh-Sạch-Đẹp-Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”, công tác thi đua, khen thưởng cũng được các đơn vị quan tâm đẩy mạnh.
Bên cạnh những mặt đã làm được, việc quản lý, thực hiện công tác ATVSLĐ- PCCN vẫn còn một số hạn chế. Các cơ quan chức năng chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ tình hình ATLĐ tại cơ sở. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ- PCCN do ngại tốn kém chi phí. Nhận thức của người lao động về công tác ATVSLD- PCCN chưa cao… Chị Lâm Thị Minh Phương, chuyên viên Phòng Bảo hộ Lao động- Việc làm Sở LĐ- TB&XH cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNLĐ xảy ra trong thời gian qua là do người lao động không cẩn thận hoặc không thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật sử dụng thiết bị máy móc”.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác ATVSLĐ-PCCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thường xuyên tổ chức huấn luyện ATVSLĐ- PCCN cho người lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các làng nghề, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức cho các cơ quan, đơn vị ký cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường làm việc; yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác kiểm tra các thiết bị, máy móc, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; kiểm tra các dụng cụ, phương tiện PCCC, kịp thời thay thế và bổ sung những thiết bị hư hỏng. Tập trung rà soát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài đối với những tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác ATVSLĐ- PCCN.
Nguyên Vũ