Xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) là xã bãi ngang ven biển, với tổng diện tích 12.400km2, rừng núi chiếm 88% tổng diện tích tự nhiên. Toàn xã hiện có 5 thôn, với dân số gần 7.200 người/1.941hộ. Trong đó có 2 thôn đồng bào dân tộc Raglai thôn Cầu Gãy, Đá Hang, với 162 hộ/623 nhân khẩu. Đời sống nhân dân vùng đồng bằng chủ yếu là nông nghiệp và làm nghề biển; một số ít buôn bán nhỏ và làm dịch vụ du lịch. Riêng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu làm nương rẫy, chăn nuôi kết hợp trồng rừng nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Để nâng cao đời sống người dân, ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước về xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; nguồn vốn tín dụng chính sách và công tác xét duyệt đối tượng cho vay được kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác và phối hợp với NHCSXH triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại địa phương. Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH huyện, đến nay doanh số cho vay trên địa bàn xã Vĩnh Hải trong giai đoạn 2016-2019 đạt trên 55,1 tỷ đồng, với 2.228 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ 33,8 tỷ đồng. Trong đó tổng dư nợ 13 chương trình tín dụng đến đầu quý III-2019, đạt 37,1 tỷ đồng, tăng 14,7 tỷ đồng, tăng 66,3% so với đầu năm 2016; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,5%/năm. Từ chính sách tín dụng xã hội cùng các chính sách khác đã giúp cho 128 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết cho 47 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 342 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 25 căn nhà ở cho hộ nghèo để an cư lạc nghiệp và phòng, tránh bão, lụt. Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ dân tộc thiểu số, với tổng dư nợ đến nay gần 3 tỷ đồng, với 79 lượt hộ được vay để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội nên nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đầu tư
vào trồng nho góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Văn Nỷ
Để phát huy vốn tín dụng chính sách hiệu quả, UBND xã đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, giao chỉ tiêu nâng cao chất lượng tín dụng cho các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như Trưởng thôn để triển khai thực hiện. Đến nay UBND xã đã chỉ đạo thực hiện thu hồi hết nợ quá hạn, duy trì không có nợ quá hạn. Công tác kiểm tra, giám sát vốn tín dụng chính sách đã được quan tâm thực hiện, hầu hết các hộ vay vốn NHCSXH đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đem lại kết quả thiết thực đến với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác; diện mạo nông thôn trên địa bàn xã cũng đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Theo báo cáo của UBND xã, tỷ lệ hộ nghèo (năm 2016) chiếm 9,97%, đến cuối năm 2018 giảm còn 3,34%. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo 2 thôn đồng bào dân tộc Raglai giảm từ 67,51 % (năm 2016) xuống còn 21,6% (cuối năm 2018); đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân từ 11 triệu đồng/người/năm đến nay đã nâng lên 35,3 triệu đồng/người/ năm.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách xã hội, UBND xã Vĩnh Hải tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, cụ thể giữa UBND xã và NHCSXH; làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của người dân, nhất là những đối tượng thuộc diện được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Thực hiện việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời; tập trung phân bổ nguồn vốn vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương để phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhật Nguyên