Tỉnh ta hiện có 15 xã khu vực III và 17 thôn đặc biệt khó khăn ở các xã thuộc khu vực II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135. Dân số tại các địa phương thụ hưởng chương trình 135 trên 18.220 hộ, với gần 77.110 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào DTTS chiếm trên 14.620 hộ, đời sống bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.
Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các vùng miền, các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm tạo mọi nguồn lực cho đồng bào các xã đặc biệt khó khăn vươn lên, trong đó việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn là một trong những việc làm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III, từ năm 2016 đến cuối năm 2018, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã được hỗ trợ tổng kinh phí trên 75,2 tỷ đồng; trong đó, đầu tư kết cấu hạ tầng trên 55,8 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo gần 14,6 tỷ đồng; hỗ trợ dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở hơn 1,5 tỷ đồng…
Nguồn hỗ trợ Chương trình 135 giúp đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bác Ái có điều kiện cải thiện mô hình sinh kế.
Trong số các “gói” hỗ trợ, ngoài việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng ở các vùng miền núi thì việc hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa nguồn sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy được hiệu quả bước đầu rất thiết thực. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 – 2018, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.420 lượt hộ gia đình từ giống cây trồng, giống vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất mới và nhân rộng, chuyển giao nhiều mô hình sinh kế có hướng giảm nghèo bền vững cho bà con. Qua đó, đã góp phần giúp cho người dân có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Một số mô hình đem lại hiệu quả và đang được nhân rộng như: Mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Phước Trung (huyện Bác Ái); mô hình nuôi bò sinh sản ở các xã Phước Hà (huyện Thuận Nam), xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước); mô hình trồng bưởi, cây ăn trái ở Phước Bình (huyện Bác Ái)…
Theo ông Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 bước đầu đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực đối với một số khu vực đặc biệt trên địa bàn tỉnh ta, đặc biệt là các khu vực có đông đồng bào DTTS. Diện mạo các xã nông thôn miền núi đang dần khởi sắc, đến nay, 100% thôn có điện lưới quốc gia và đã được phủ sóng các chương trình phát thanh, truyền hình; đường ô tô về hầu hết trung tâm các xã, 100% thôn có đường giao thông đi lại thuận tiện cả hai mùa; 100% trạm ý tế được cứng hóa trong đó có 50% trạm đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2017 – 2020… “Việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ hợp lý, đúng tiêu chí, trọng tâm, trọng điểm và cách tổ chức thực hiện có nhiều đổi mới không còn tình trạng bình quân chia sẽ, đúng với nhu cầu người dân đã thật sự tạo ra được hướng đa dạng sinh kế cho người dân với nhiều mô hình giảm nghèo mang tính bền vững. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực được hưởng thụ chương trình 135 còn 40,74%, giảm 10,59% so với năm 2016. Bình quân giảm từ 4-5%/năm”, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết thêm.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình 135, phấn đấu đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững đối với vùng cao, đặc biệt là vùng đông đồng bào DTTS sinh sống, hiện nay, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, qua đó, tạo được sự gắn kết mạnh mẽ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh.
Nguyễn Anh