Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay, diện tích MTX trên toàn tỉnh khoảng hơn 200 ha, tập trung nhiều ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Nghề trồng MTX đang trên đà phát triển nhờ gần đây tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả. Tiêu biểu là Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND, ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 quy định mức hỗ trợ HTX mua cây giống, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước để triển khai mô hình cánh đồng lớn, thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu.
Nông dân xã An Hải, huyện Ninh Phước, thu hoạch măng tây xanh.
Anh Thái Bá Trung, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Xuân (Xuân Hải, Ninh Hải), cho biết: Sau khi được ngành chức năng tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác các loại cây trồng cạn, HTX đã tổ chức lại hình thức sản xuất, vận động 18 thành viên liên kết với doanh nghiệp trồng 15 ha MTX. Thông qua hoạt động liên kết, doanh nghiệp đã cung cấp giống, hướng dẫn quy trình canh tác đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm MTX của HTX được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Sau khi sản phẩm có mã số vùng trồng, đã vượt qua rào cản kỹ thuật để xâm nhập vào những thị trường khó tính như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, đưa về nguồn lợi lớn. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Cấp mã số vùng trồng là giai đoạn rất quan trọng để có thể tiến đến việc truy xuất nguồn gốc hàng nông sản, gắn chặt với quy trình sản xuất đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu hiện nay. Để thực hiện điều này, chỉ có cách duy nhất là liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.
Huyện Ninh Phước đi đầu trong thực hiện 2 mô hình cánh đồng lớn sản xuất MTX với tổng diện tích 33 ha, tạo đột phá trong tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Chị Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Châu Rế (xã Phước Hải), cho biết: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất MTX do HTX triển khai ở vụ hè - thu năm 2018 với tổng diện tích 8 ha, đến nay có 2,2 ha cho thu hoạch, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, doanh nghiệp mua 50.000 đồng/kg, tính ra trồng 1 ha MTX mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hướng tới mục tiêu xây dựng xã An Hải và Phước Hải thành trung tâm sản xuất MTX của cả tỉnh, huyện Ninh Phước đang tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng mức hỗ trợ và lựa chọn các giống mới nổi trội về năng suất, áp dụng công nghệ canh tác mới theo tiêu chuẩn Organic. Huyện cũng đã đề nghị ngành chức năng đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận VietGap cho sản phẩm MTX của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Châu Rế và HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải).
Để phát triển sản xuất MTX theo hướng bền vững, những năm qua tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Công trình cấp nước cho vùng sản xuất rau an toàn tại xã An Hải có tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, khởi công vào tháng 10-2018, đến nay đã hoàn thành cung cấp nước tưới cho 300 ha đất nông nghiệp là minh chứng cho nỗ lực của tỉnh trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất ở vùng khô hạn.
Anh Tùng