Huyện Thuận Bắc có 6 xã; trong đó, có 5 xã thuộc vùng khó khăn, trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Raglai và Chăm sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, để triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến với người dân, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực; đặc biệt, sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động ban hành nhiều kế hoạch hành động sát với nội dung chỉ đạo của chỉ thị. Theo đó, bên cạnh thiết lập mạng lưới giao dịch tại các xã, công tác phối hợp giữa Phòng giao dịch với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ; quy trình thẩm định hồ sơ, thủ tục vay vốn được rút ngắn…Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thuận Bắc
kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của người dân trên địa bàn.
Từ đầu năm tới nay, thông qua 15 chương trình tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiến hành giải ngân với số tiền trên 47,7 tỷ đồng cho 6.649 lượt hộ vay, đạt 99,2% kế hoạch; doanh số thu hồi nợ đạt trên 30,6 tỷ đồng, nâng tổng số cho vay đến nay lên 10.025 hộ, với tổng dư nợ 258,3 tỷ đồng; trong đó, một số chỉ tiêu cho vay đạt tỷ lệ cao, tập trung vào các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo và hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, chiếm trên 60% tổng số vốn cho vay. Song song với việc triển khai chính sách tín dụng, chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm cũng được quan tâm, chú trọng; kết quả từ đầu năm đến nay, đơn vị đã huy động tiền gửi tiết kiệm từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức, cá nhân trên 35,8 tỷ đồng, đạt 121,5% kế hoạch, tăng gần 6,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Qua đó, góp phần tạo nguồn vốn mới, đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho vay, hỗ trợ đắc lực cho người dân trong việc mở rộng đầu tư phát triển sản xuất.
Điều đáng ghi nhận trong công tác tín dụng chính sách ở Thuận Bắc, đó là phương châm đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích; nhờ đó, hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Chị Ta La Thị Đanh, ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, một trong những hộ điển hình trong vay vốn làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững chia sẻ: Được sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ xã và cán bộ ngân hàng, mình vay 15 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi; nhờ vậy mà gia đình thoát được nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng. Năm 2017, chị Đanh tiếp tục vay 49 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo để tái đầu tư sản xuất; đến nay, chị đã sở hữu được 5 sào bắp lai, 3 sào đậu xanh cùng 5 con bò. Theo ông Võ Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã lợi Hải, đến thời điểm này, trên địa bàn xã có 1.494 hộ vay, với tổng dư nợ gần 55 tỷ đồng. Đồng vốn chính sách đã tác động tích cực đến đời sống của người dân địa phương, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 19,7%.
Ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc cho biết: Mục tiêu đề ra trong quý III - 2019, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ giải ngân đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao, duy trì không phát sinh nợ quá hạn, phấn đấu thu hồi nợ đến hạn đạt 95%. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cho các dự án kinh tế trọng điểm, các xã phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, hướng đến giảm nghèo từ 4-5% mỗi năm.
Hồng Lâm