Ngay sau sự cố nổ nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản, theo chỉ đạo của Bộ KH-CN, Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam đã yêu cầu 2 đơn vị trực thuộc là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tổ chức tốt việc quan trắc phóng xạ môi trường tại 2 trạm quốc gia do 2 đơn vị này quản lý. Nếu có bất cứ sự bất thường nào phải thông báo ngay cho Viện NLNT Việt Nam.
Báo cáo ngày 14-3 của Viện NLNT cho biết, đến thời điểm này không có bất kỳ một sự bất thường nào về phóng xạ tại 2 trạm của Viện NLNT Việt Nam. Do mức độ của sự cố chỉ ở cấp độ 4, nên ảnh hưởng chủ yếu là ở khu vực lân cận xung quanh nhà máy là chính. Tuy nhiên, Viện NLNT Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi thông tin, phối hợp với các đối tác Nhật Bản và các nước để có được các thông tin đầy đủ hơn phục vụ cho nghiên cứu của mình về sự cố này.
Theo PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam, Bộ KH-CN cũng chỉ đạo viện nghiên cứu sâu sắc bản chất của sự cố để có thể rút ra các bài học kinh nghiệm cho mình trong chương trình phát triển điện hạt nhân. Việc này cần có thời gian và nguồn thông tin đầy đủ. Theo ông Tấn, đánh giá sơ bộ về tình hình, có thể thấy rằng, thiết kế của tòa nhà lò phản ứng của Nhật Bản là tương đối tốt, chịu được động đất lớn đến 9 độ richter và sóng thần.
Tuy nhiên, yếu điểm của hệ thống giải nhiệt dư của nhà máy Fukushima vẫn là sử dụng nguyên lý an toàn thụ động, tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp. Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 1970 và 1980 thuộc thế hệ thứ 2, cho nên nguyên lý an toàn chủ động chưa được áp dụng.
Đối với Việt Nam, ông Tấn cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định phải sử dụng thế hệ lò phản ứng hiện đại, đảm bảo độ an toàn và kinh tế. Những lò phản ứng thế hệ thứ 3 mà chúng ta lựa chọn sẽ có đặc tính an toàn chủ động. Thế nên khi xảy ra sự cố tương tự nhà máy sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên.
Nguồn Báo SGGP