Đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, do đó huyện xác định XKLĐ là hướng đi quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện đã tập trung chỉ đạo các xã tăng cường và chú trọng công tác XKLĐ; giao chỉ tiêu XKLĐ hàng năm cho các địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương về hoạt động XKLĐ, giúp người lao động (LĐ) nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường LĐ ngoài nước. Chủ động lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín trong lĩnh vực XKLĐ. Từ đó, trong những năm gần đây, Bác Ái luôn là địa phương đi đầu trong hoạt động XKLĐ của tỉnh.
Căn nhà khang trang của gia đình chị Chamalea Thị Hà được xây dựng từ tiền con gái đi XKLĐ gửi về. Ảnh: T.Quang
Để tìm hiểu thực tế về hiệu quả của công tác XKLĐ đem lại, chúng tôi đã đến thăm nhà chị Chamaléa Thị Hạnh, ở thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây dựng rộng hơn 100 m2, chị Hạnh cho biết: Ngôi nhà trị giá gần 300 triệu đồng từ số tiền tiết kiệm của người con gái đi XKLĐ tại Ả rập Xê- út gửi về. Trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà cửa chật chội, cả gia đình sinh sống phụ thuộc vào việc làm nương rẫy, thu nhập còn bấp bênh. Năm 2015, từ chương trình XKLĐ tại Ả rập Xê-út, chị đã động viên con gái là Chamaléa Thị Diệu tham gia. Sau 3 năm làm việc, con gái chị đã gửi tiền về để xây nhà và dành dụm được một số vốn để làm ăn.
Không riêng gia đình chị Hạnh, nhiều hộ khác trên địa bàn huyện Bác Ái đã trả được nợ, xây nhà, đầu tư vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và thoát được nghèo nhờ tham gia XKLĐ. Theo thống kê, từ năm 2010 đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện đã có 236 LĐ tham gia XKLĐ. Số LĐ gửi tiền về cho gia đình trên 13,5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2018, huyện có 75 LĐ tham gia XKLĐ, đạt 750% kế hoạch giao và trong 6 tháng đầu năm 2019 có 40 LĐ tham gia XKLĐ, đạt 400% kế hoạch giao. Hiện nay, người LĐ trên địa bàn huyện tham XKLĐ chủ yếu tại hai thị trường là Malaysia và Ả rập Xê-út, bởi vì hai thị trường này có điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, trình độ người LĐ của huyện. Trong đó, thị trường Ả rập Xê-út được rất nhiều LĐ lựa chọn do thị trường này chủ yếu tuyển LĐ nữ giúp việc gia đình và không mất phí tham gia, LĐ có thu nhập từ 9-11 triệu đồng/người/tháng, được tài trợ tiền vé máy bay đi và về, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Ngoài ra, mỗi lao động trước khi XKLĐ được doanh nghiệp hỗ trợ từ 10-15 triệu đồng.
Đồng chí Cấn Thị Hà khẳng định: Nhìn chung, hoạt động XKLĐ tại địa phương đã có kết quả khả quan. Mặc dù vậy, công tác này cũng gặp không ít khó khăn, xuất phát từ việc phần lớn người LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số chưa được đào tạo nghề, không quen với môi trường sản xuất tập trung, chuyên nghiệp, hiện đại nên chưa thể đáp ứng yêu cầu phía sử dụng LĐ ở nước ngoài, nhất là các thị trường yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Chưa kể, rất nhiều LĐ là người dân tộc thiểu số không muốn rời xa gia đình. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ chú trọng trong việc phối hợp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người LĐ. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ; thông tin đầy đủ về chính sách, chế độ, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người LĐ ở thị trường lao động nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng... Điều quan trọng nhất là bản thân người dân phải có ý chí vượt khó vươn lên thì công tác XKLĐ mới thực sự khởi sắc.
Với định hướng rõ ràng, hoạt động XKLĐ là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần vào mục tiêu chung của huyện Bác Ái về phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ .
Thế Quang