Cuộc sống của các nạn nhân và gia đình từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 11.992 người bị phơi nhiễm CĐDC (hiện có trên 11.600 người còn sống), trong đó tính đến ngày 31-5-2019, chỉ có 404 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân giúp đỡ nhưng qua điều tra, phần lớn NNCĐDC/dioxin đều có hoàn cảnh rất thương tâm. Có gia đình có đến 2-3 người con cùng chịu ảnh hưởng bởi CĐDC, bản thân họ sức khỏe lại yếu, thường xuyên ốm đau nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, chương trình góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống tinh thần và vật chất đối với các nạn nhân, thân nhân người nhiễm CĐDC trong tỉnh. Hiện nay, hệ thống tổ chức của hội đã được phát triển ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở. Các tổ chức hội đã xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động, duy trì chất lượng hoạt động, phát triển hội viên, nâng tổng số toàn tỉnh lên 861 hội viên. Trong hoạt động, các cấp hội đã phát huy tính chủ động, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể; tăng cường sự phối hợp xây dựng và củng cố tổ chức hội; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân.
Chỉ riêng trong nhiệm kỳ 2014-2018, hội đã vận động ủng hộ Quỹ hội được 2,87 tỷ đồng, trực tiếp giúp đỡ các nạn nhân thông qua các hình thức như tặng học bổng, mua xe lăn, xây dựng nhà tình nghĩa; cho vay vốn không lãi suất để giải quyết khó khăn và đầu tư phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống; vận động hơn 2,68 tỷ đồng để tổ chức các đợt khám bệnh, cấp thuốc, thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân trong các dịp lễ, tết; hoặc hỗ trợ sau các đợt thiên tai; hỗ trợ đột xuất… cho hàng trăm lượt gia đình NNCĐDC/dioxin... Trong 6 tháng đầu năm 2019, Tỉnh hội, Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nạn nhân da cam tỉnh, các huyện, thành hội đã vận động hơn 384,7 triệu đồng để hỗ trợ hàng trăm suất quà cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Các cấp hội cũng đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin; đồng thời làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm CĐDC làm hồ sơ đề nghị xét hưởng trợ cấp chế độ.
Thông qua tổ chức hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực. Điển hình trong 6 tháng đầu năm 2019 có 12 tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ NNCĐDC/dioxin tỉnh hơn 129 triệu đồng. Trong đó có Thầy Thích Nguyên Kính ủng hộ 90 triệu đồng; Công ty TNHH Nam Thành 10 triệu đồng; ông Dương Chí Dũng 10 triệu đồng… Có sự động viên, giúp đỡ, chăm sóc của hội và cộng đồng, NNCĐDC/dioxin vơi bớt nỗi đau thể xác và tinh thần, cuộc sống của các gia đình nạn nhân trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, nhiều nạn nhân vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống.
Với phương châm: “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam”, trong thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tích cực chăm sóc giúp đỡ NNCĐDC/dioxin, vận động cộng đồng xã hội cùng “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” và động viên nạn nhân khắc phục khó khăn vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Tỉnh hội tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam với các hoạt động cụ thể như: Xây dựng nhà ở, tạo điều kiện cho họ vay vốn phát triển kinh tế, phấn đấu để các gia đình NNCĐDC/dioxin có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, phối hợp Mặt trận, các hội có tính đặc thù cùng cấp nắm rõ tình hình biến động về số lượng và hoàn cảnh, điều kiện sống của nạn nhân, đồng thời làm tốt công tác vận động quỹ và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam ở vùng trọng điểm và các địa phương trong tỉnh.
Kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam là dịp để các cấp, các ngành trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng tuyên truyền chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả CĐDC do Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam. Chung tay chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin là việc làm thể hiện là đạo lý, phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những kết quả và sự nỗ lực của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh thời gian qua cũng là nghĩa tình, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, các cấp và toàn xã hội, nhằm từng bước chia sẻ khó khăn với các nạn nhân, động viên họ vươn lên trong cuộc sống.
Kiều Tấn Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh