Như vậy, số khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng của năm 2019 đã đạt hơn 9,79 triệu lượt khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không tăng 4,7%; khách đến bằng phương tiện đường biển giảm 11,3 %; bằng phương tiện đường bộ tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Khách du lịch quốc tế selfie trên cầu Thê Húc, Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN
So với cùng kỳ năm 2018, trong 7 tháng của năm 2019, đa số các thị trường khách đều tăng. Trong đó, Thái Lan tăng 48,2%; Đài Loan ( Trung Quốc) tăng 27,6%; Hàn Quốc tăng 22,1%; Indonesia tăng 21,2%; Ấn Độ tăng 19,9%; Philippines tăng 19,6%; Malaysia tăng 13,9%; Nhật Bản tăng 12,9%; Italy tăng 9,8% và Đan Mạch tăng 8,7%... Một số thị trường khách giảm như: Campuchia giảm 51,6 %; Lào giảm 31,3%; Hồng Kông ( Trung Quốc) giảm 14,5%; Phần Lan giảm 9,2%; Trung Quốc giảm 2,8% và Australia giảm 1,2%.
Ước tính số khách du lịch nội địa 7 tháng qua đạt 52,4 triệu lượt khách, trong đó có 26,9 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 401.000 tỷ đồng, tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng cục Du lịch nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì thúc đẩy, tăng trưởng cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế 6 đầu năm 2019 không cao như năm 2018, nhưng ngành Du lịch quyết tâm đón 17,5- 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 700.000 tỷ đồng. Nếu đạt được con số này, tức là ngành Du lịch Việt Nam sẽ cán đích trước 1 năm so với mục tiêu đón 17- 20 triệu khách quốc tế vào năm 2020 như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra …
Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, Tổng cục Du lịch đã kêu gọi các địa phương, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch và điểm du lịch nghiêm túc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa bằng hành động cụ thể. Toàn ngành tập trung giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần tại đơn vị; phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa hoặc vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần...
Theo TTXVN/Báo Tin tức