Không giới hạn kiến thức ôn tập
Khác với mọi năm, năm 2011, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) không biên soạn, phát hành bộ tài liệu cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của từng môn như trước. Điều này khiến không ít trường lo lắng bởi theo đánh giá của một số thầy, cô giáo, đây là bộ tài liệu có thể giúp GV, HS hình dung một cách cụ thể về cách thức ra đề thi, cơ cấu tổ chức của đề thi.
Ảnh: Internet
Giải đáp mối lo này, lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từng môn không phải là giới hạn kiến thức ôn tập mà chỉ là tài liệu tham khảo để GV hướng dẫn HS hình dung về hình thức, nội dung đề thi, nhận biết những đề thi có các phần chung và phần riêng. Vì vậy, các nhà trường không nên quá lo lắng, lệ thuộc vào tài liệu này để tổ chức ôn tập cho HS.
Dự kiến đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn sẽ có phần chung (gồm kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao) và phần riêng (thuộc chương trình chuẩn hoặc nâng cao). Yêu cầu được đặc biệt lưu ý với các nhà trường khi sử dụng tài liệu Cấu trúc đề thi từng môn (ban hành năm 2010) là hướng dẫn cho HS dễ dàng nhận biết phần chung - phần riêng để có quyết định chính xác khi làm bài. Phần chung chiếm tỷ lệ điểm số nhiều hơn trong đề thi nên khi ôn tập, thí sinh cần chú trọng đến phần kiến thức giao thoa. Với phần riêng, thí sinh có thể chọn một trong hai phần để làm bài, song không được làm cả hai phần riêng. Mặc dù không yêu cầu phải chọn phần đề riêng ứng với chương trình được học như những năm trước, song Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo các thí sinh nên chọn phần đề riêng ứng với chương trình mình được học và ôn tập để có điểm số tốt nhất.
Điểm mới trong cách ra đề thi năm nay của Bộ GD-ĐT là dành 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Việc ra đề mở, kích thích khả năng sáng tạo, vận dụng của HS là một trong những giải pháp quan trọng của Bộ GD-ĐT nhằm hạn chế tình trạng học thuộc lòng, học vẹt của một số HS hiện nay. Tuy nhiên, đây lại là một khó khăn không nhỏ đối với những trường có nhiều HS từ trung bình trở xuống. Việc tổ chức ôn tập vì vậy không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức để HS ghi nhớ như trước, mà còn phải khơi gợi để các em liên hệ những kiến thức đã học vào thực tế. Dù vậy, đây vẫn là chủ trương được hiệu trưởng các nhà trường, thầy cô giáo đồng tình, ủng hộ.
Bám sách giáo khoa và chuẩn kiến thức
Theo Công văn số 8255/BGDĐT-KTKĐCLGD do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 7-12-2010 gửi các sở GD-ĐT và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng thì vẫn như năm trước, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Dù đã cầm trên tay văn bản cách đây vài tháng với định hướng ôn tập rất rõ như vậy, song ban giám hiệu không ít nơi dường như vẫn không yên tâm.
Sự cố xảy ra đối với đáp án - hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp môn lịch sử năm 2010 khiến thí sinh mất 1/4 số điểm bài thi vì học và làm bài theo sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT đang khiến các nhà trường lo lắng. Thực tế, ở một số môn nhiều kiến thức giữa sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng và SGK không trùng nhau. Có nội dung nằm trong hướng dẫn thực hiện chuẩn nhưng không có trong SGK và ngược lại. Bởi thế, kinh nghiệm của các trường khi tổ chức ôn tập cho HS năm nay là cố gắng hướng dẫn cho HS học đủ các nội dung ở cả hai cuốn sách này.
Tuy nhiên, mỗi trường, mỗi lớp ở các vùng, miền khác nhau lại có nhiều đối tượng HS với khả năng nhận thức, trình độ không giống nhau nên việc tổ chức dạy - học, ôn tập cũng khác nhau. Những trường có đầu vào cao, tỷ lệ HS khá, giỏi lớn ngoài việc hướng dẫn HS tự học, ôn thi trên mạng internet, còn tổ chức kiểm tra thử nhiều lần… để HS không chỉ đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn đỗ vào ĐH. Còn với trường có đầu vào thấp như THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, việc kiểm tra thử nhiều lần không chỉ phân loại đối tượng HS để kèm cặp, bồi dưỡng mà còn giúp cô, trò cùng kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp học.
Ông Nguyễn Văn Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Oai A cho biết, với tỷ lệ HS trung bình chiếm tới hơn 60% trong tổng số 580 HS lớp 12, việc hỗ trợ, kèm cặp HS yếu, kém để đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nhất là mục tiêu quan trọng hiện nay của trường. Còn kinh nghiệm của Trường THPT Mỹ Đức A là giáo viên chủ nhiệm kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để thống nhất quan điểm, chủ trương, kế hoạch ôn tập cho HS, từ đó nhận được sự đồng thuận của phụ huynh trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho HS học tập.
Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm hiện nay là trên thị trường có quá nhiều loại sách tham khảo phục vụ cho HS ôn thi tốt nghiệp THPT. Theo ý kiến của một số hiệu trưởng, giáo viên bộ môn nên chủ động giúp HS thẩm định từng loại sách cho phù hợp với khả năng nhận thức và điều kiện thực tế để tránh lãng phí, đồng thời khuyến cáo HS không nên "chạy" theo những loại sách này mà tập trung ôn tập theo hướng dẫn của GV.
Để việc ôn tập đạt kết quả tốt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, ngoài việc bố trí thời gian học tập hợp lý, không học theo kiểu nhồi nhét, GV cần quan tâm tới việc dạy HS phương pháp học tập. Điều này vô cùng quan trọng, bởi nội dung đề thi không chỉ có yêu cầu nắm vững kiến thức, mà còn đòi hỏi HS phải có kỹ năng tư duy phù hợp và có thể vận dụng vào thực tế, nhất là đối với những môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn.
(Nguồn: Hà Nội Mới Online)