Trong những năm qua, nhiệm vụ “chăm lo phát triển giáo dục mầm non” đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm đầu tư phát triển; mạng lưới trường, lớp được củng cố, mở rộng, đã xóa xã trắng về giáo dục mầm non, hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng, miền của tỉnh được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày; chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi được nâng lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn hóa trình độ đào tạo, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt khá. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục mầm non có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi được đầu tư. Giáo dục mầm non ở miền núi, dân tộc thiểu số nhất là vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả giáo dục mầm non còn thấp so với yêu cầu; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục mầm non vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhận thức về xã hội hóa giáo dục mầm non chưa được sâu rộng, hiệu quả thấp so với yêu cầu. Cơ chế quản lý, phối hợp điều hành giữa các cấp quản lý giáo dục còn thiếu đồng bộ; sự phối hợp giữa “nhà trường-gia đình-xã hội” tuy đã có chuyển biến nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Giáo dục mầm non miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn phát triển còn chậm.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhất là triển khai thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg, ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt các nội dung sau:
1/ Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong tỉnh. Đưa chỉ tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hàng năm để chỉ đạo thực hiện. Coi việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là tiêu chuẩn bình xét, đánh giá các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể, bình xét gia đình văn hóa và đơn vị văn hóa. Trên cơ sở của những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm về giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở đơn vị, địa phương mình và căn cứ Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh; cấp ủy Đảng các cấp từ tỉnh đến cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 đạt chất lượng và đảm bảo đúng tiến độ quy định. Chương trình, kế hoạch phải có tính khả thi cao đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non, đồng thời phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong giai đoạn mới.
2/ Trên cơ sở Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 239/QĐ-TTg, ngày 09/02/2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết, đồng thời chỉ đạo UBND các cấp cần tiến hành thành lập Ban chỉ đạo; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục mầm non tại địa phương, đơn vị mình đạt hiệu quả. Chỉ đạo ngành Giáo dục và đào tạo có kế hoạch tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương chuẩn hóa và hiện đại hóa thiết bị dạy học phục vụ kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non hàng năm và lâu dài phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận sớm xây dựng kế hoạch để thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy, đồng thời coi việc đào tạo và bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
3/ Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo ban hành các nghị quyết về chế độ chính sách, hỗ trợ cho công tác bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên cho phù hợp với yêu cầu mới.
4/ Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể và tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác vận động thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục mầm non. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ để thực hiện xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục mầm non của toàn tỉnh đạt kết quả theo quy định. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh cần mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền phổ biến Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015.
5/ Các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND tỉnh, đề án của UBND tỉnh để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả.
6/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các Ban xây dựng Đảng, các sở, ngành chức năng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Chỉ thị này và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tiến độ thực hiện, đề xuất Ban Thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo phù hợp.