Tăng trưởng ấn tượng
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, cùng mức tăng trưởng ngoạn mục đã dần khẳng định bước tiến của ngành trong cơ cấu kinh tế-xã hội.
Năm 2017, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ diễn biến phức tạp của thiên tai, bão lũ, song du lịch Việt Nam vẫn ghi những dấu ấn chưa từng có trong lịch sử. Nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2016, du lịch nước ta đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Tính chung hai năm 2016 và 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 60% so với năm 2015. Ngành Du lịch cũng phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% GDP. Lần đầu, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 6 trong tổng số 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới năm 2017.
Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải) thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Theo đà đó, năm 2018 tiếp tục là năm thành công của du lịch Việt Nam khi đón nhận khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Và 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón gần 8,5 triệu lượt khách quốc tế tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018; phục vụ 45,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%, trong đó có 22,9 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).
Những kết quả này đã góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế với hàng loạt giải thưởng danh giá, uy tín từ các tổ chức quốc tế; góp phần định hình thương hiệu, hình ảnh cho Việt Nam như một điểm đến hàng đầu khu vực và châu Á. Mới đây, Tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet (Australia) đã bình chọn miền Trung Việt Nam trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á-Thái Bình Dương.
Ở nhiều địa phương, du lịch đã thực sự được chú trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch không chỉ nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, thu hút nhiều nhà đầu tư mà còn được cộng đồng dân cư tích cực tham gia, chung tay phát triển du lịch với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn và hình thành thói quen ứng xử văn minh trong cuộc sống.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Một số địa phương như Ninh Bình, Phú Yên... đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động; số hóa dữ liệu ngành Du lịch... Một số doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đã đầu tư cho công nghệ và triển khai nhiều ứng dụng thông minh đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn... qua thiết bị di động. Nhiều dự án đầu tư, cơ sở dịch vụ du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao được khởi công, đưa vào sử dụng. Nhiều thương hiệu được tạo dựng, củng cố uy tín không chỉ trong nước mà cả trên bình diện quốc tế.
Để tăng trưởng đồng hành cùng chất lượng
Cân bằng giữa việc làm sao để thu hút nhiều khách và bảo đảm chất lượng du lịch luôn là thách thức cho sự phát triển bền vững. Chất lượng điểm đến vẫn luôn là một trong ba điều kiện tiên quyết để bảo đảm độ hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Theo các chuyên gia, đối với công tác quản lý điểm đến du lịch sạch, an toàn, thân thiện hiện có không ít vấn đề mà ngành Du lịch Việt Nam và các địa phương cần quan tâm giải quyết một cách thấu đáo và quyết liệt. Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, trong đề xuất tái cơ cấu ngành Du lịch, ông đã nêu ra yêu cầu cần ban hành quy chuẩn và giám sát thực hiện quy chuẩn về số lượng, chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch như một nội dung quan trọng, cần có những biện pháp giải quyết dứt điểm nạn ăn xin, đeo bám, lừa đảo du khách... Để thực hiện hiệu quả mảng công việc này, Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành bộ chỉ số đánh giá, tổ chức đánh giá và hằng năm công bố bảng xếp hạng “Điểm du lịch sạch, an toàn, thân thiện” cho từng địa phương (tỉnh) và từng điểm du lịch thuộc địa phương, coi như chỉ số năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch.
Cùng với đó, áp lực tăng trưởng về lượng khách đã khiến các địa phương chú trọng nhiều tới yêu cầu đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm, đôi khi lạm dụng vào tài nguyên có sẵn mà phớt lờ những tác động của tăng trưởng lên môi trường du lịch hay quên đi đánh giá sức chịu tải của điểm đến.
Đầu tư cho sản phẩm du lịch là yêu cầu bắt buộc để có thể tăng sự hấp dẫn cho điểm đến. Có thể dễ dàng nhận thấy các sản phẩm du lịch Việt Nam đang khá đơn điệu, còn nhiều mảng trống để nghiên cứu cơ hội đầu tư ở từng địa phương, căn cứ tiềm năng, điều kiện cụ thể ở từng nơi. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, địa phương cần phải xây dựng một chiến lược phát triển du lịch dài hơi, trong 10 năm, 20 năm để các nhà đầu tư chiến lược yên tâm, tạo động lực để huy động doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng cộng đồng tham gia vào phát triển sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ hay môi trường du lịch cũng là việc ngành Du lịch cần cân nhắc để bảo đảm không “mất điểm” với khách du lịch. Hiện nay, cùng với sự tăng trưởng về lượng khách, nhu cầu về lưu trú, giao thông, dịch vụ cũng vì thế mà tăng theo, nhiều địa phương bùng phát việc xây dựng các khách sạn, phát triển quá nhiều mô hình du lịch cộng đồng, lưu trú cùng hộ dân (homestay) khiến cho cung-cầu chênh lệch, nơi thừa nơi thiếu. Cùng với đó là nhiều dịch vụ mới như dịch vụ căn hộ cho thuê, dịch vụ chia sẻ phòng, condotel… vừa tạo ra sự đa dạng, phong phú trong kinh doanh du lịch, nhưng cũng cần có sự quan tâm quản lý về chất lượng, để bảo đảm tốt nhất chất lượng phục vụ khách.
Theo TTXVN